Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Hà Nội
Đặng Giang, Nhà nghiên cứu và nhà hoạt động

Von Đặng Giang

Giang Dang © Giang Dang Báo chí nước ngoài hay thắc mắc vì sao Việt Nam lại khống chế được virus Corona tốt như vậy. (Ở thời điểm tôi viết những dòng này, Việt Nam có dưới 280 ca dương tính, hơn tám mươi phần trăm trong số đó đã phục hồi, và không có ca tử vong nào). Có nhiều giải thích kỹ thuật cho câu hỏi này, nhưng liệu có phải đơn giản là người Việt luôn rất giỏi trong chiến tranh? Ngay khi con virus “xâm nhập” vào đất nước, người ta rũ bụi và tái sử dụng tranh cổ động cũ, đặt hàng bài hát cổ động mới. Mỗi sáng và mỗi chiều, loa phóng thanh phát thông điệp của chính phủ kêu gọi người dân “một tay súng một tay cày”, trong thời đại mà số người làm việc ở công xưởng, cửa hàng và văn phòng nhiều hơn rất nhiều số người làm việc trên đồng ruộng. 

Nhưng có vẻ như cách thức này đã thành công. Một lần nữa, như trước kia, người dân lại đồng lòng tập hợp sau Đảng.

Một mặt tôi vui mừng vì hệ thống y tế mong manh của Việt Nam không bị quá tải và có vẻ những rủi ro được kiểm soát, mặt khác cái ngôn ngữ thời chiến này khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Nó bóp nghẹt các thảo luận và phê bình. Tuần trước, một người dùng Facebook bị phạt mức tương đương với một tháng lương trung bình vì đã chế giễu và chỉ trích các chính sách cách ly xã hội của các nhà chức trách, và chả có ai quan tâm tới việc này cả. Nhiều người vốn thường xuyên phàn nàn về chính quyền giờ quay ra cổ suý cho phong cách quản trị bàn tay sắt. “Phương Tây tự do quá, nên giờ họ phải trả giá,” họ nói trong khi lướt mạng đọc tin.  

Trong khi số người nhiễm bệnh ổn định thì lòng tự hào dân tộc lên cao vút, cứ như là chúng tôi đang ở trong một cuộc tranh tài quốc tế mà nhiều quốc gia giầu có hơn rất nhiều đã mất thể diện. “Ngạo nghễ Việt Nam!” nhiều người kêu lên vui sướng khi máy bay Vietnam Airlines hạ cánh, mang theo người Việt thoát khỏi tâm dịch ở Châu Âu và Mỹ. 

Thay vì “Ở nhà, cứu mạng người”, khẩu hiệu ở đây là, “Ở nhà là yêu nước.” Điều này, một lần nữa, khiến tôi bất an. Bởi rất nhanh chóng, người ta bị dán nhãn. Một cô gái nói dối về lịch sử di chuyển của mình để tránh vào trại cách ly không những là một cá nhân vô ý thức, vô trách nhiệm, mà còn bị coi là phản quốc, một tội nặng hơn rất nhiều. Cô ta trở thành đích của lăng nhục công cộng và cơn bão căm ghét trên mạng, đời sống riêng tư của cô bị xới tung lên và phơi bầy trên mạng xã hội. Ở nhà là yêu nước Thế giới hậu Corona virus sẽ thay đổi như thế nào? Trong mỗi cuộc khủng hoảng lớn, 11 tháng 9, khủng hoảng tài chính năm 2008, và lần này, người ta hay nói “sẽ không có gì như trước được nữa”. Tôi không chắc về điều này. Một tháng trước, các hệ thống toàn cầu đã bị đạp phanh gấp để dừng cứng lại, và bây giờ các quốc gia bắt đầu tìm cách để khởi động lại. Hiển nhiên rồi, các tập đoàn đa quốc gia sẽ chỉnh sửa chuỗi cung ứng của mình để họ không quá bị phụ thuộc vào một địa điểm, các quốc gia phương Tây sẽ tăng chi tiêu cho y tế công cộng, du lịch sẽ bị lình xình một thời gian, nhưng tôi không nhìn thấy những tái định hướng mang tính cấu trúc, hệ thống. Các thị trường chỉ mong muốn quay về như trước, càng nhanh càng tốt. Toàn cầu hoá sẽ tiếp tục. Môi trường sẽ vẫn bị phá huỷ. Các nước đang phát triển sẽ bị tàn phá, hoặc bởi hệ quả của phong toả, hoặc bởi chính bệnh dịch. Nhưng điều này cũng chẳng phải là mới.   

Với Việt Nam thì sao? Đảng Cộng sản đã ghi được rất nhiều điểm và có một cú hích về tính chính danh. Sau tất cả, Việt Nam sẽ dịch chuyển nhiều hơn nữa tới một nhà nước công an. Một công ty Việt Nam vừa công bố phần mềm nhận diện khuôn mặt của họ vẫn cho kết quả kể cả khi người ta đeo khẩu trang. Tin này được nhiều người coi là một bước tiến. Vài tuần trước, công an đã phạt tiền một số người vì họ trao đổi tin đồn liên quan tới  Covid-19 trong một nhóm kín Messenger. Thực ra, nhóm kín Messenger cần được coi là trao đổi riêng tư, đúng không? Một lần nữa, chả ai quan tâm cả.

Người ta nói rằng khủng hoảng lột trần những gì đã tồn tại trước đó. Điều này hẳn là đúng với chủ nghĩa dân tộc của người Việt. Bị mờ mắt bởi nỗi căm ghét Trung Quốc, nhiều người Việt tung hô Trump như một anh hùng. Họ càng yêu quý ông ta hơn nữa khi Trump tuyên bố cắt tiền đóng cho WHO, một tổ chức mà họ cho là tằng tịu với Trung Quốc. Trong một diễn biến kỳ dị, họ quay ra tấn công Bill Gates, họ dịch và phát tán các thuyết âm mưu của giới cánh hữu Mỹ về ông này. Lý do? Trong một video clip mấy năm trước về dịch bệnh, Bill Gates dùng một bản đồ của Trung Quốc có đường lưỡi bò.

Vậy nên, tôi e là cái sự đoàn kết và thống nhất mà người ta quan sát được ở Việt Nam đang được đặt trên một nền tảng lung lay. Gần đây, tờ New York Times tường thuật về Trung Quốc: “Trong khi Trung Quốc khống chế được bệnh dịch hiện đang tàn phá các quốc gia khác, thành công của quốc gia này thúc đẩy sự trỗi dậy của một hỗn hợp chói tai của lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và tính bài ngoại, ở mức độ mà người ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.” Có sự mỉa mai cay đắng là trong khi người Việt căm ghét Trung Quốc thì hai quốc gia này lại giống nhau đến thế trong biết bao nhiêu khía cạnh.