Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Sofia
Georgi Gospodinov, nhà văn

Von Georgi Gospodinov

Georgi Gospodinov © Phelia Baruh Tôi nghĩ đến một buổi chiều. Buổi chiều của thế giới. Vừa cụ thể lại vừa mang tính biểu tượng cùng lúc. Tôi vẫn luôn yêu các buổi chiều, nhưng buổi chiều này khác. Lúc đó là ba giờ chiều. Người ta nói đó là thời điểm Giêsu qua đời. Có một chứng bệnh được gọi là bệnh của các thầy tu: acedia (trầm cảm), một dạng sầu muộn đặc biệt, nó thể hiện tình trạng trì trệ của tim và kiệt quệ trong tâm hồn. Mỗi phút đồng hồ dài vô tận, thế giới đứng im, đâu đó có tiếng ruồi vo ve, còn thì không có gì xảy ra, hoàn toàn không có gì. Duy nhất cái chết hiện diện khắp nơi. Edvard Munch có một tác phẩm hội họa ở thời kỳ xế bóng – ”Giữa đồng hồ và giường “. Còn chúng ta ở giữa máy tính, cửa sổ và sofa.

Tất cả những thứ đó đã ụp xuống đầu tôi ở Grunewald thuộc Berlin. Hồi đó tôi sắp chấm dứt giai đoạn lưu trú tại Viện Wissenschaftskolleg. Ơn Chúa, lúc đó vợ tôi và con gái tôi đang ở cùng. Thư viện của tôi vẫn ở Sofia, và tôi vô cùng nhớ cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể lấy ra một quyển sách nào đó, tùy theo tâm trạng và hứng thú, đắm chìm mê cung của nó, rồi lại trả về chỗ cũ và lấy ra một quyển khác. Khi tất cả qua đi, sách sẽ chứng tỏ chúng là nơi ẩn náu đầu tiên và cuối cùng của chúng ta.

Một điều rất quan trọng là chúng ta sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này như thế nào và chúng ta sẽ thoát khỏi nơi cư trú như hang động ấy ở mức độ nhân văn nào. Còn sống sót – đó là mắt xích đầu tiên trong dây xích, là thách thức đầu tiên mà tiếp đó còn thêm thách thức nữa theo sau. Có hai kịch bản: kịch bản thứ nhất là sau toàn bộ thời kỳ cách ly sẽ bùng phát một sự hung hãn bị kìm hãm lâu ngày, một sự đứt rời khỏi tính nhân bản, một sự vượt rào, cơn thịnh nộ, dạng ích kỷ mới hay u sầu và lãnh đạm vô tận. Kịch bản thứ hai biểu thị một trực giác mới đối với thế giới đã mất đi, một đồng cảm và thấu cảm, một mẫn cảm mới đối với người khác và một nhận thức mới: ta có thể từ bỏ gì và không thể từ bỏ gì. Các nghi thức của sự cận kề giữa chúng ta sẽ thay đổi ra sao? Chúng ta sẽ đụng chạm nhau, ôm nhau, xích lại gần nhau lần nữa ra sao? Một chặng đường dài đợi chúng ta, từng phân một, giữa các cơ thể của chính chúng ta. Hình dung lạc quan của tôi về thế giới sau này? Lại là buổi chiều, chúng tôi đi ra trời nắng, ra một đồng cỏ. Đồng cỏ của thế giới, chúng tôi đọc, uống bia, ăn chút gì, gần đó có mấy đứa trẻ chơi bóng, đột nhiên quả bóng rơi xuống đất cạnh chúng tôi, chúng tôi vừa cười vừa ném quả bóng trả lại.

Tôi được tiếp đầy hy vọng bởi một điều mà nghệ thuật, sách vở, tranh ảnh và âm nhạc chứng nhận: những thời đoạn như thế đã từng có trước đây, nhưng chúng trôi qua rồi, và con người đã sống sót. Tôi hy vọng, khoa học và tất cả những tri thức được thu thập và nghệ thuật sẽ được phát động trong một tình cảnh như thế này rồi tiếp bước sang một giai đoạn mới. Tôi tin tưởng rằng con người là một tạo vật cứng cổ và biết học hỏi. Rốt cục có thể con người bắt đầu ngộ ra rằng mình không toàn năng, mà chỉ là một phần của sự sống, một phần trong mạng lưới vô cùng phức hợp và sáng láng của sự sống, không hơn và không kém. Và thực ra đó mới là điều quan trọng. Trong một ý nghĩa nhất định thì thế là đủ. Chúng ta là một phần sự sống.