VĂN CHƯƠNG THANH THIẾU NIÊN
THẾ GIỚI PHONG PHÚ

Sách cho độc giả trẻ là một mảng quan trọng của thị trường sách Đức. Văn học tiếng Đức cho thanh thiếu niên nổi bật với những chủ đề mang tham vọng lớn cũng như minh hoạ chất lượng
Văn chương thanh thiếu niên phong phú và đa dạng là truyền thống của các quốc gia sử dụng tiếng Đức. Nhận xét đó không chỉ đúng với nội dung, hình thức và thể loại, mà cả vị thế của nó trên thị trường sách Đức vốn mang dấu ấn từ nhiều đầu sách quốc tế. Ví dụ như thời điểm năm 2014, trong 73.863 đầu sách mới ở Đức có đến 8.142 đầu sách mới cho thanh thiếu niên, chưa tính đến sách giáo khoa. Văn chương thanh thiếu niên chiếm 11% sản lượng, nhưng đồng thời 15,8% doanh số năm của tổng doanh số bán sách. Nhờ đó văn chương thanh thiếu niên là lĩnh vực quan trọng nhất và có doanh số cao nhất trong ngành sản xuất sách cũng như trong văn hoá thanh thiếu niên.
Các tác giả và đơn vị xuất bản hoạt động mạnh nhất khi hướng đến nhóm khách hàng là trẻ em ở tuổi sơ sinh, vỡ lòng và học sinh cấp cơ sở. Điều đó liên quan đến sự đánh giá cao đối với văn chương đặc thù cho giai đoạn phát triển nêu trên của trẻ, nhưng cũng nằm trong nỗ lực của giới tư nhân cũng như có sự hỗ trợ từ nhà nước nhằm phát triển văn hoá đọc. Ở đây có thể kể đến Antje Damm với các tác phẩm cho trẻ nhỏ như Frag’ mich - Hãy hỏi tôi! (2010): một nỗ lực phát triển khả năng nói và đọc ở dạng sách thơ. Bộ sách Berlin ba tập Rico und Oskar - Rico và Oskar của Andreas Steinhöfel ra mắt từ 2008 đến 2014 cũng được coi là văn chương trẻ em có tác động lớn. Đây là một sự pha trộn giữa nghiên cứu xã hội, khôi hài tình huống và một tình bạn rất cảm động giữa hai cậu bé dị thường, và nó nằm trong truyền thống tiểu thuyết về trẻ con ở các đô thị lớn, đồng thời lột tả xúc cảm sống của trẻ em ở các gia đình có con anh, con tôi, con chúng ta. Các tác giả khác như Milena Baisch, Martin Baltscheit, Renate Düring, Finn-Ole Heinrich, Salah Naoura và Martina Wildner hiện cũng đang sáng tác sách thiếu nhi có tiếng vang lớn đối với trẻ em, các nhà sư phạm văn học và cả trong lĩnh vực văn chương giải trí.
SỰ DỊCH CHUYỂN LỨA TUỔI NGƯỜI ĐỌC
Sách cho trẻ em trên 12 tuổi được gọi là sách thanh thiếu niên. Từ khi có tác phẩm Momo - Momo, (1973) và Die unendliche Geschichte - Chuyện dài bất tận của Michael Ende (1979), hiện tượng sách “cho mọi lứa tuổi“ được mọi người biết đến, đánh dấu sự dịch chuyển lứa tuổi người đọc thành nhóm chung từ 13 đến trưởng thành. Chủ đề Cận-trưởng-thành (Es war einmal in Indianerland - Ngày xưa ở xứ da đỏ của Nils Mohl (2011), cảm giác sống-ngoài-đường (Mein innerer Elvis – Elvis trong tôi của Jana Scheerer, 2010), phân tích bạo lực vật lý và bạo lực cơ cấu (Der Rabe ist Acht của Corinna Antelmann, 2014).Sách cho thanh thiếu niên ở Đức thường được minh hoạ rất kỹ lưỡng, góp phần gìn giữ và làm mới truyền thống văn hoá của nghệ thuật minh hoạ sách, đồng thời tạo không gian cho nghệ thuật tự do, đồng thời thể hiện thị giác nhiều thông tin. Một số hoạ sĩ minh hoạ được giới chuyên môn chú ý trong mấy năm qua là Aljoscha Blau, Stefanie Harjes, Susanne Janssen, Katharina Kuhl, Jonas Lauströer, Kat Menschik, Michael Roher và Einar Turnowski. Bên cạnh nhiều tác giả khác, Reinhard Kleist đã tạo được tên tuổi với cuốn Der Boxer – Võ sĩ quyền Anh (2012) ở dạng Tiểu thuyết hình hoạ như một phần của văn chương thanh thiếu niên.
SÁCH PHỔ BIẾN KIẾN THỨC ĐƯỢC TRÌNH BÀY THẨM MỸ
Nhiều thể loại trong mảng sách phi hư cấu đã chuyển sang dạng số. Nhưng sách thanh thiếu niên vẫn là sân chơi để sáng tác nghệ thuật và sư phạm độc đáo. Nổi bật ở đây là sách phổ biến kiến thức được trình bày thẩm mỹ, ví dụ như Die Welt der wilden Tiere – Thế giới động vật hoang dã (2014/2015) của Dieter Braun và các sách tài liệu hoá như Mein Opa, sein Holzbein und der große Krieg – Ông tôi, cái chân giả của ông và cuộc chiến tranh lớn (2013) của Nikolaus Nützel.Ai tìm các đề tài đặc trưng Đức trong văn chương thanh thiếu niên đương đại, sẽ thấy chủ yếu là chủ đề thời Quốc xã và nạn diệt chủng Holocaust (Der Fotograf von Auschwitz – Người chụp ảnh ở Auschwitz của Reiner Engelmann, 2015), sự chia cắt và tái thống nhất nước Đức (Jenseits der blauen Grenze – Bên kia biên giới xanh của Dorit Linke, 2014), nhưng cũng thấy cả túc cầu, quan hệ gia đình biến chuyển và một lượng lớn sách mang màu triết luận.