Truyền hình trẻ em Đức sống nhờ các mô hình thành công cũ và các tác giả kinh điển được yêu thích. Các nhà làm phim truyền hình cần thể hiện cảm hứng sáng tạo nhiều hơn nữa với các sản phẩm mới, nhà nghiên cứu truyền thông, GS. Dieter Wiedemann nói.
Thưa Giáo sư Wiedemann, hiện truyền hình Đức đang chiếu những bộ phim trẻ em dài tập nào?
Bên cạnh những serie mới vẫn có những chương trình trẻ em truyền thống, những chương trình thu hút khán giả từ nhiều thập kỷ nay, như serie „Ông ba bị“ (Sandmännchen) được sản xuất từ năm 1959, hay như „Chuột nhắt lên sóng“ (Die Sendung mit der Maus), một trong những chương trình truyền hình trẻ em thành công nhất của Đức, được phát sóng lần đầu từ năm 1971.
Thường thì bố mẹ hoặc ông bà là những người quyết định trẻ em được phép xem gì – tôi hiều điều đó vì hiện tại tôi cũng là ông. Và bởi vì thế hệ bố mẹ hoặc ông bà đã có những trải nghiệm tốt với những chương trình truyền hình nhất định nên họ muốn nhớ lại. Tất nhiên những chương trình này thành công trước hết là vì chúng đã được thiết kế phù hợp cho trẻ em.
Những cô bé, cậu bé mạnh mẽ
Sự khác biệt chính giữa truyền hình trẻ em ở CHDC Đức và CHLB Đức từ thời điểm khởi đầu, năm 1953, là gì?
Truyền hình trẻ em ở CHDC Đức có nhiệm vụ truyền bá quan điểm giai cấp rõ ràng cho các cậu bé và cô bé, để các em cống hiến cho chủ nghĩa xã hội và xây dựng nhà nước CHDC Đức. Trên quan điểm đó, các nhà làm phim từ rất sớm đã sản xuất ra những serie như Cô bé Störtebeker (Das Mädchen Störtebeker), với nhân vật chính là các cô bé tự chủ, mạnh mẽ. Còn ở các serie bên CHLB Đức thời kỳ đầu thì nhân vật chính hầu hết là các cậu bé. Tuy nhiên việc cùng cộng tác chặt chẽ với các nhà làm phim trẻ em Séc khiến cả hai hệ thống cùng chịu ảnh hưởng mạnh về nội dung và nghệ thuật. Trong những năm 1980 thì truyền hình trẻ em CHLB Đức đã phát triển độc đáo và sáng tạo hơn. Nhưng ngược lại, trong suốt thời gian CHDC Đức tồn tại, phim cổ tích CHDC Đức đã luôn hay hơn bởi chúng được đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc hơn ở CHLB Đức.
Những serie phim truyền hình trẻ em đã thay đổi như thế nào qua các thập kỷ?
Các serie phim trẻ em trước đây thường hướng vào cuộc sống thường nhật của nhân vật chính – như chuyện họ làm gì ở trường hoặc ở nhà? Vào cuối những năm 1970, cả ở Đông và Tây Đức, người ta đều thích những câu chuyện có yếu tố thần tiên. Nội dung phim đan xen giữa cuộc sống thường nhật và thế giới tưởng tượng của trẻ em. Những năm 1990 đánh dấu sự trở lại của những câu chuyện về cuộc sống thường nhật – tuy nhiên trong những serie nhưKý túc xá nữ: Một tháng vắng cha mẹ (Die Mädchen-WG: Ein Monat ohne Eltern) người ta có cảm giác bọn trẻ trong đó lớn lên mà không có người lớn. Từ những năm 2000 thì các serie hoạt họa thống trị, thường là với sự xuất hiện của ma cà rồng hoặc các con thú dữ hóa người, hoặc với các nhân vật kinh điển như Heidi hoặc Wickie. Ngược lại, những chương trình có tính hiện thực, trợ giúp trẻ em trong cuộc sống, ngày càng trở nên hiếm đi. Trong khi những serie thời thập kỷ 1970 và 1980 thường kể về những đứa trẻ có cá tính – ngay cả ở CHDC Đức cũng vậy, nơi mà lẽ ra người ta luôn có định hướng tập thể - thì trong các serie phim hiện thực hiện nay người ta chủ yếu chỉ kể những câu chuyện về ứng xử.
GIỮA TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC VÀ SỰ MẤT MÁT GiÁ Trị
Ông đánh giá thế nào về tiêu chuẩn giáo dục trong các serie phim truyền hình trẻ em?
Có nhiều phim định hướng giáo dục trên truyền hình, như các bộ phim Checker Tobi hoặc Chuột nhắt lên sóng, mà trong từng tập các chủ đề kiến thức đều được truyền tải hấp dẫn và phù hợp cho trẻ em. Đối với tôi thì điều quan trọng là truyền thống này cần được duy trì, tuy nhiên lại đang có quá ít thử nghiệm. Chẳng hạn như, tại sao các chương trình có tiêu chuẩn giáo dục lại ít khi có sự nối kết với kinh nghiệm về trò chơi điện tử của trẻ em?
Nói chung trẻ em có cần truyền hình không?
Trẻ em cần giải trí, văn hóa, giáo dục – và thực ra là qua các phương tiện truyền tải như sách, radio, rạp chiếu phim, trường học, câu lạc bộ thể thao, nhưng cũng còn thông qua bố mẹ và truyền hình nữa. Trẻ em Đức xem truyền hình trung bình 88 phút một ngày, ít hơn nhiều so với người lớn. Trong những năm tới, truyền hình sẽ dần mất đi ý nghĩa. Thay vào đó, những thiết bị di động như máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh sẽ trở nên quan trọng hơn.
Các giải thưởng như Prix Jeunesse hoặc những cuộc thi khác giúp chúng ta có được sự so sánh quốc tế cập nhật. Phim truyền hình dài tập Đức nên phát triển theo hướng nào?
Chương trình trẻ em Đức hiện nay đang thống trị bởi các serie phim Nhật, Mỹ và Anh. Ít khi người ta thấy phim truyền hình dài tập Đức. Đã có một sự hân hoan lớn khi kênh truyền hình trẻ em được thành lập năm 1997, nhưng rồi người ta đã không chú tâm tới việc sản xuất những chương trình riêng cho trẻ em. Chúng ta tập trung vào các mô hình thành công như Lâu đài Einstein. Thật tốt khi có một chương trình như vậy. Nhưng trong các cơ quan truyền hình người ta ít nghĩ về việc liệu có thể sản xuất các serie nhỏ hơn không. Chúng ta cũng quên việc phải chăm sóc các tài năng, những người có thể làm ra các chương trình mà trẻ em yêu thích. Tôi lại rất muốn thảo luận về ý tưởng thành lập một khoa đào tạo đặc biệt dành cho phim trẻ em, kế hoạch này đã thất bại nhiều năm trước vì thiếu kinh phí. Song nhu cầu thì vẫn còn.
GS. TS. Dieter Wiedemann sinh năm 1946 ở Liebschitz (CH Séc), từng là Chủ tịch Trường Đại học Điện ảnh và Truyền hình Konrad Wolf ở Potsdam-Babelsberg, nay là Đại học Điện ảnh Babelsberg Konrad Wolf. Ông cũng là Chủ tịch Ban giám tuyển của Hội Sư phạm Truyền thông và Văn hóa Truyền thông (GMK), là thành viên của Ban giám tuyển của Kênh truyền hình Freiwillige Selbstkontrolle Fernsehen (FSF). Ông đã xuất bản nhiều sách về truyền thông trẻ em và sư phạm truyền thông.