PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY ĐA NGÔN NGỮ
ĐƯA TẦM NHÌN RA KHỎI LUỸ TRE LÀNG

Khung chuẩn về các tiền đề đa chiều cho ngôn ngữ và văn hoá là nền tảng của các phương pháp giảng dạy và học tập nhằm khuyến khích kỹ năng đa ngôn ngữ và đa văn hoá. Những điều này có thể được áp dụng vào giờ học tiếng Đức như thế nào?
Trên khắp châu Âu, thanh thiếu niên được học các ngoại ngữ hiện đại hoặc cổ điển dù đó là tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Hoa hay tiếng Latinh. Trong khi truyền đạt một ngôn ngữ mới, các thành viên của phương pháp giảng dạy hiện đại đa ngôn ngữ quan tâm đặc biệt đến kỹ năng liên kết các ngôn ngữ và các nền văn hoá. Đây cũng là điều được miêu tả trong Khung chuẩn về các tiền đề đa chiều cho ngôn ngữ và văn hoá (REPA). Khung chuẩn này được Trung tâm ngoại ngữ châu Âu của Hội đồng châu Âu công bố lần đầu tiên vào năm 2007 tại Graz và từ đó đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần. Khung chuẩn REPA bao gồm các phạm trù mô tả các kỹ năng đa ngôn ngữ và đa văn hoá. Phương pháp giảng dạy đa ngôn ngữ truyền tải các kỹ năng này qua việc áp dung các tiền đề như học ngoại ngữ liên kết, ngôn ngữ để hội ngộ (Awakening to languages), nhận thức tương thông, hay việc học đa văn hoá.
Anna Maria Curci cũng làm việc theo khung REPA. Bà dạy tiếng Đức cho người nước ngoài (DaF) tại một trường trung học phổ thông chuyên ngữ tại Roma: “Khi học sinh vào trường tôi, các em đã học tám năm tiếng Anh và ba năm tiếng Tây ban Nha hay tiếng Pháp. Ở tuổi 14 các em không chỉ bắt đầu học tiếng Đức mà còn học cả tiếng La tinh nữa. Vì thế việc dựa vào những kiến thức và kỹ năng sẵn có để tiếp tục phát triển là điều tất nhiên“. Trong hai mươi năm qua, cô giáo Đức văn này đã soạn ra nhiều tài liệu giảng dạy và tài liệu bổ túc cho giáo viên. Nhiều ý tưởng của bà đã được đưa vào cơ sở dữ liệu của REPA.
SO SÁNH NGÔN NGỮ: ÂM NGỮ, CHỮ VÀ CẤU TRÚC
Anna Maria Curci hỗ trợ học sinh từ trước khi các em bắt đầu học tiếng Đức chính thức: bà mời học sinh và cha mẹ các em tham dự một giờ học thử. Theo hướng dẫn trong REPA, ngay trong giờ học đầu tiên này, bà chỉ cho học sinh thấy là các chữ số trong tiếng Đức rất giống tiếng Anh, và các âm tiết „ö“ và „ü“ của tiếng Đức cũng có trong tiếng Pháp. Sau đó bà lưu ý cho học sinh thấy là giống như tiếng La tinh, các danh từ chỉ tên của nhiều loài cây trong tiếng Đức cũng là giống cái. Bà chỉ rõ là trong cả tiếng La tinh và tiếng Tây Ban Nha, sự khác biệt giữa „hỏi“ và „đề nghị“ đều quan trọng hay như đối với học sinh Ý, ngữ pháp thời tương lai trong tiếng Anh khó tiếp thu hơn là điều này trong tiếng Đức.Ngoài ra, bà giao cho các học sinh có trình độ A1 và A1 theo Khung chuẩn chung về ngôn ngữ của Cộng đồng châu Âu (GeR) làm các áp phích đa ngôn ngữ với các chủ đề như „Cách tìm đường trong thành phố“, „Sử dụng các phương tiện giao thông“ hay „ Các sở thích và hoạt động giải trí“ và treo những áp phích này ở lớp học. Những kiến thức và kỹ năng học sinh tiếp nhận được nhờ học theo chương trình hợp tác với REPA được các em sử dung sau đó trong giờ học CLIL – môn học bắt buộc trong các trường trung học ở Ý, một môn học được dạy bằng một ngoại ngữ hiện đại.