Trí tuệ nhân tạo
Nghệ thuật từ những dòng mã

Phải chăng nghệ thuật và robot không hề liên quan đến nhau? Hoàn toàn sai: trí tuệ nhân tạo là công cụ và đồng thời là đối thủ cạnh tranh của sự sáng tạo. Sự chuyển đổi số hóa còn mang đến những đề tài cho nghệ thuật.
Bản cáo trạng truy tố thuật toán tội giết người: Với màn trình diễn của mình và bộ phim The Trial of Superdebthunterbot (Phiên tòa xử Superdebthunterbot), nữ nghệ sĩ người Luân Đôn, Helen Knowles, thảo luận về việc liệu có thể buộc một mã máy tính độc lập chịu trách nhiệm cho những nhầm lẫn nghiêm trọng hay không – trong trường hợp này là đối với cái chết của hai sinh viên trong khi làm các thí nghiệm y khoa. Tác phẩm của Knowles là một phần của triển lãm Open Codes tại ZKM | Trung tâm Nghệ thuật và Truyền thông Karlsruhe kéo dài đến tháng tám 2018, nhằm nghiên cứu về mối quan hệ giữa những dòng mã, nghệ thuật và cuộc sống trong thế giới số.
Thuật toán xuất hiện ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống: chúng tính toán xem ai có khả năng trả những khoản vay, tự động hóa chiến tranh, nhưng cũng chẩn đoán sớm những căn bệnh hoặc như phần mềm „Watson“ của IBM, tự cắt, ráp những đoạn giới thiệu của phim kinh dị. Và chúng khuấy động thế giới nghệ thuật: trí tuệ nhân tạo (tiếng Anh là: Artificial Intelligence, AI) thay đổi những góc nhìn và quá trình sáng tạo, và thậm chí còn biến rô bốt và phần mềm thành nghệ sĩ. Trong cái gọi là Deep Learning (học tập chuyên sâu) này, phần mềm AI nhận biết được những mẫu hình giống như bộ não của con người và học thêm những điều mới thông qua từng trải nghiệm – và qua đó có thể ngày càng tự đưa ra nhiều quyết định hơn.
Các thuật toán giống như những nhạc cụ
Dự án nghiên cứu não bộ của Google „Google Magenta“ thí nghiệm với sự sáng tạo nhân tạo. Một nhóm các nhà nghiên cứu làm việc với những thuật toán tạo ra âm nhạc, tài liệu video hoặc nghệ thuật thị giác. Những ứng dụng được công bố trên nền mã nguồn mở (Open-Source-Plattform) „TensorFlow“ để những nghệ sĩ và những người sáng tạo khác cũng có thể cùng tham gia thúc đẩy quá trình phát triển. Chương trình „Performance RNN“ có thể soạn nhạc: „Tuy nhiên, sản phẩm được tạo ra còn thiếu sự gắn kết được chờ đợi ở một bản nhạc piano“, Google Magenta thừa nhận. Mặc dù vậy, âm thanh được tạo ra một cách nhân tạo vẫn thật „ấn tượng“.
Cả những nhà phát triển như giáo sư công nghệ thông tin người Anh Simon Colton cũng đã làm việc từ nhiều chục năm nay với phần mềm sáng tạo. „Một ngày nào đó tôi sẽ được nhìn nhận như một nghệ sĩ sáng tạo thực thụ“, đó là mong ước của nghệ sĩ robot „Panting Fool“ (Chàng ngốc biết vẽ) của ông trên trang web của mình. Phần mềm vẽ những tác phẩm trừu tượng – nay đã đẹp đến mức người ta thường không thể phân biệt được đâu là tranh do người thật và đâu là tranh do máy vẽ. Colton cũng đã kết hợp „Panting Fool“ với phần mềm nhận biết cảm xúc, để nó có thể đưa tâm trạng vào những màu sắc trong các bức chân dung.
Người máy công nghiệp đang hoàn thiện những tượng lấy cảm hứng từ Michelangelo cho loạt các tác phẩm „Sculpture Factory“ (Nhà máy điêu khắc) của Davide Quayola. | © Davide Quayola
Nghệ sĩ người Ý Davide Quayola sử dụng thuật toán tạo ra những góc nhìn mới tới những biểu tượng nổi tiếng của thế giới nghệ thuật: gần như không còn nhận ra được những bức tranh nguyên bản thời Phục hưng là nguyên liệu cho những bức tranh giầu mầu sắc và trừu tượng của anh. Anh đã sử dụng những tác phẩm nổi tiếng của quê hương mình cho loạt tác phẩm Iconographies: những bức vẽ gốc được pha trộn một cách mới mẻ bằng một phần mềm AI, các chi tiết và màu sắc được thể hiện một cách lạ lẫm và đầy ấn tượng. „Lạm dụng công nghệ là một cách thú vị để khám phá những thứ mới mẻ“, Quayola nhận xét. Nhưng phần mềm không thay thế được người nghệ sĩ – chỉ có vai trò của anh ta được thay đổi: các thuật toán chính là những „nhạc cụ“ mà anh sử dụng.
Công nghệ cũng làm thay đổi quá trình sản xuất: đã từ lâu nghệ thuật số không còn là công việc của một cá nhân nữa – nghệ sĩ thường hợp tác với nhà phát triển, nhưng phần mềm và người máy cũng trở thành một phần của đội ngũ làm việc. Những bức điêu khắc lấy cảm hứng từ Michelangelo trong loạt tác phẩm Sculpture của Quayola do người máy công nghiệp tạo ra, thậm chí ngay trong phòng trưng bày nghệ thuật. Do đó, sự ra đời của tác phẩm là một phần của hoạt động nghệ thuật.
Tour mua sắm trong Darknet
Nhiều nghệ sĩ trẻ theo khuynh hướng nghệ thuật khái niệm (Conceptual Art) hiểu rằng,sự gia tăng của tự động hóa, Big Datta và trí tuệ nhân tạo cũng là chất liệu nội dung cho những tác phẩm của họ - và họ nghiên cứu số hóa dưới góc độ nghệ thuật có tầm quan trọng đối với xã hội.
Hướng dẫn hack máy bán Cocacola tự động, thuốc lắc hoặc giầy thể thao làm nhái: trong một dự án nghệ thuật, một phần mềm tự động đã mang lượng Bitcoin trị giá 100 Dollar đi mua sắm hàng tuần trên các khu chợ Darknet như Agora và Alpha Bay. Những sản phẩm được chọn một cách ngẫu nhiên đã được gửi đến một phòng trưng bày ở Thụy Sĩ. Random Darknet Shopper (Người mua hàng ngẫu nhiên trong Darknet) được lập trình bởi nhóm truyền thông Bitnik đến từ Zürich và Luân Đôn.Họ là những người như Helen Knowles, muốn sử dụng phiên tòa ảo của mình để chỉ ra vực thẳm của các thuật toán – ví dụ như việc ai sẽ chịu trách nhiệm khi một phần mềm phạm tội.
Cuối năm 2015, khi dữ liệu của hàng triệu người sử dụng trang web Ashley Madison bị rò rỉ và trong đó có hàng chục nghìn tài khoản giả bị phát hiện, nhóm truyền thông Bitnik cũng đã biến những dữ liệu và việc lạm dụng công nghệ kỹ thuật số này trở thành nghệ thuật. Ashley Madison đã tự phát triển những tài khoản giả: vì trên trang web có nhiều nam giới đăng ký sử dụng hơn nữ, những người điều hành trang web đã lập trình những tài khoản nữ ảo để trò chuyện và tán tỉnh người sử dụng. Trong buổi triển lãm Is anyone home lol của họ vào mùa hè 2017 tại Berlin, những nghệ sĩ thuộc nhóm truyền thông Bitnik đã tái tạo những tài khoản ảo đó: chúng xuất hiện như những bức ảnh đại diện đeo mặt nạ trên màn hình LCD cao ngang tầm mắt người lớn và trò chuyện trong chatroom với những người đến xem triển lãm.
Nhưng ngoài những mặt không tốt thì các thuật toán cũng khá đáng yêu: nghệ sĩ sống tại Los Angeles Channing Hansen sử dụng phần mềm để tính toán chất liệu, kết cấu và màu sắc cho những tác phẩm bằng len của mình – và bằng cách đó tạo ra những bức tranh tường gây ảo giác và đem lại cảm giác bình yên.