Giáo dục vì sự phát triển bền vững
KHI HỌC SINH TRỞ THÀNH CHỦ DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI CÔNG BẰNG

Tính bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày, và trẻ em cũng có thể học được điều này. Các cơ sở giáo dục từ khắp nước Đức – dẫn đầu là các trường học – tham gia vào Chương trình Hành động Toàn cầu của UNESCO về Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững.
Khi đói bụng, các học sinh trường Erich Kästner thuộc thành phố Ladenburg, bang Baden-Württenberg có thể mua đồ ăn nhẹ tại ki-ốt của trường. Từ mùa xuân năm 2018, ngoài bánh mì kẹp pho mát, bánh quy và kẹo dẻo, trên kệ hàng còn có các sản phẩm thương mại công bằng là chuối và sô cô la. Đằng sau sự đổi mới này là một dự án từ giờ học Tôn giáo và Đạo đức của trường: 15 học sinh tuổi từ 13 đến 14 quan tâm đến thương mại công bằng (Fair trade) và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trường trung học Hainberg ở Göttingen cũng quan tâm đến những chủ đề này. Từ một dự án nhỏ, qua nhiều năm, một công ty học sinh mang tên "Macadamiafans" đã hình thành. "Công ty" này được thành lập vào năm 2012 bởi một nhóm dự án tình nguyện với tư cách Hợp tác xã Học sinh (eSG) và hiện nay đã trở thành một phần cố định của giờ học. Học sinh khối lớp 9 và 10, khi chọn môn học tự chọn, có thể dành thời gian trong giờ học để quản lý doanh nghiệp của trường: tiếp nhận hạt Macadamia (Mắc-ca), xử lý những đơn đặt hàng trực tuyến, quản lý sổ sách, gửi bưu kiện, chăm lo tiếp thị và duy trì việc chăm sóc khách hàng. Hạt Mắc ca được tiêu thụ tại các cửa hàng bán lẻ địa phương cũng như các nơi khác. Với số tiền thu được, Macadamiafans không những chỉ hỗ trợ nông dân châu Phi, mà còn tài trợ các học bổng nước ngoài cho học sinh trong trường. Ở Đức, dưới hình thức tổ chức Hợp tác xã Học sinh, học sinh có thể cùng nhau biến các ý tưởng kinh doanh riêng của mình thành hiện thực. Họ được hỗ trợ bởi các Hiệp hội Hợp tác xã khu vực trong các bang của mình.
Gắn chặt hành động có trách nhiệm vào hệ thống giáo dục
Trường Erich Kästner và trường trung học Hainberg chỉ là hai trong số gần 500 cơ sở giáo dục trên khắp nước Đức tham gia vào Chương trình hành động Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững (GDPTBV) của UNESCO. Bất kể là trường học, trường mẫu giáo, các Di sản thế giới UNESCO hay vườn bách thảo, sở thú – tất cả đều cam kết thực hiện cho một mục tiêu chung: gắn chặt suy nghĩ và tư duy bền vững vào tất cả các lĩnh vực của hệ thống giáo dục.
Trong Chương trình GDPTBV, Ủy ban UNESCO Đức được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên Bang hỗ trợ. Hai bên cùng thu thập các đề xuất cho việc trẻ em và thanh thiếu niên có thể học cách hành động bền vững tối ưu ra sao. Vào năm 2017, các đề xuất này được tổng kết trong một Kế hoạch hành động quốc gia cũng như trên một nền tảng trực tuyến. Trên trang Web của GDPTBV, các trường học cũng như các cơ sở khác có thể tải xuống các tài liệu giảng dạy miễn phí: từ các tấm áp phích hạt giống đến kịch truyền thanh về môi trường hay các trò chơi dạng cờ về bền vững đều có những gợi ý cho các cơ sở về việc có thể đưa chủ đề GDPTBV đến mọi lứa tuổi một cách sống động, dễ hiểu như thế nào.
Đối với yêu cầu về cam kết mạnh mẽ hơn trong GDPTBV, các cơ sở giáo dục đã thực hiện theo những cách hoàn toàn khác nhau: Họ đào tạo hoa tiêu về khí hậu, giới thiệu các triễn lãm về toàn cầu hóa hay tổ chức các hoạt động trong kì nghỉ thân thiện với môi trường. Nhà trường và nhà trẻ được đánh giá có vai trò đặc biệt trong việc đồng hành hàng ngày cùng trẻ em và thanh thiếu niên. Khoảng 400 trường đã đăng kí trên nền tảng của Chương trình hành động. Các hoạt động của họ trải rộng từ cà phê thương mại bình đẳng trong căn tin cho đến các chuyến đi thực tế dự án hay các chương trình giao lưu quốc tế.
kết nối các trường học và sáng kiến môi trường
Đặc biệt quan trọng trong chiến dịch GDPTBV là việc thúc đẩy các trường học và các sáng kiến môi trường kết nối với nhau mạnh mẽ hơn. Nếu một trường học tìm kiếm một đối tác trong khu vực, ví dụ để tổ chức một chuyến du lịch bền vững hoặc để triển khai tuần dự án, họ có thể tìm thấy một nhóm sáng kiến phù hợp ở gần mình trên bản đồ số của Đức trên trang của GDPTBV.
Chẳng hạn, trường Erich Kästner đã nhận được hỗ trợ cho dự án của mình từ Sáng kiến giáo dục về chính sách phát triển của Trung tâm Một thế giới Heidelberg. Dự án "Lớp học toàn cầu" của họ cung cấp các hội thảo, các chuyến đi quanh thành phố về chủ đề toàn cầu hóa cùng các nội dung khác nữa. Qua đó, trẻ em và thanh thiếu niên học cách đánh giá những hậu quả từ hành vi tiêu dùng của riêng mình cũng như của biến đổi khí hậu.
Thêm một sự khích lệ cho các địa phương, địa điểm học tập hay các mạng lưới mà quan tâm sâu sắc đến GDPTBV là những tặng thưởng của Sáng kiến GDPTBV. Những tổ chức được tặng thưởng sẽ nhận được Logo của Chương trình Hành động Toàn cầu của UNESCO cho những hoạt động của mình và ngoài ra có thể nhận được tư vấn cho công việc của mình từ Đại học Tư do Berlin. Năm 2017 đã có 63 các điển hình thực hành tốt được nêu bật theo cách này.