Happy @ Home ?
Nguyễn Liên Hương

Opencall Happy at home © Goethe-Institut Hanoi

Nguyễn Liên Hương © © Nguyễn Liên Hương Nguyễn Liên Hương © Nguyễn Liên Hương
Nguyễn Liên Hương, sinh năm1988, hiện đang là Phó trưởng ban phụ trách Ban Biên tập, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch. Là người khá ít nói nên Liên Hương thường thể hiện những suy nghĩ, ý tưởng của mình thông qua viết và vẽ. Ngay từ nhỏ, hội họa là niềm đam mê của cô, mặc dù chưa từng được đào tạo qua trường lớp mỹ thuật chuyên nghiệp nào. Cuộc thi đầu tiên cô tham gia là „Nàng K…“ của Viện Goethe năm 2019. Sau đó, cô đoạt giải Nhất trong cuộc thi Họa Mầu (2020).

Ý tưởng bài vẽ

Ngay từ khi tìm hiểu về đề tài Happy@Home của Viện Goethe, tôi đã hình dung ra 3 vấn đề cần thể hiện thông qua 3 bức tranh: Chúng ta đã sống như thế nào khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam? Internet đã giúp chúng ta trải qua những ngày tháng cách ly xã hội thế nào? Chúng ta sẽ làm gì sau đại dịch này? Với một niềm đam mê muốn sử dụng các chất liệu mới đưa vào trong tranh, lần này, tôi sử dụng chiếc khẩu trang - một đồ dùng rất quen thuộc với tất cả mọi người trong thời đại dịch này. Khẩu trang của con gái, khẩu trang của tôi và khẩu trang của chồng tôi được sử dụng trong từng bức tranh. Bên cạnh đó, tôi sử dụng những sợi dây thừng, kết thành vòng tròn, nhằm tạo nên sự đoàn kết, kết nối giữa con người. Tôi cũng tham gia một số sự kiện trong chuỗi Dự án Xưởng Văn hóa – một dự án kết nối các ý tưởng sáng tạo của cộng đồng văn hóa nghệ thuật. Và tôi đã thể hiện một phần chuỗi hoạt động ý nghĩa này trong bức tranh số 2 (buổi hòa nhạc cổ điển, dự án kịch Happy at home...).

Đóng vai là chiếc khẩu trang, tôi đã kể lại 3 phần trong cuộc đời mình thời đại dịch Covid-19: 1. CÙNG NHAU; 2. KẾT NỐI; 3. TIẾP TỤC.
  • LienHuong1 © Goethe-Institut Hanoi

    Nguyễn Liên Hương

  • LienHuong2 © Viện Goethe Hà Nội

    Nguyễn Liên Hương

  • LienHuong3 © Viện Goethe Hà Nội

    Nguyễn Liên Hương

Và câu chuyện của tôi xin được bắt đầu:
Tính đến ngày hôm nay (07.09.2020), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 887.404 người. Tôi là ai trong đại dịch khốc liệt này? Là một vật dụng mà nếu trước đây con người thỉnh thoảng sử dụng tôi thì bây giờ họ bắt buộc phải dùng khi đến nơi công cộng. Là một trong những cách hiệu quả giúp con người tránh lây lan virus kinh khủng này. Là một mặt hàng mà lúc đỉnh dịch, họ bán tôi với giá gấp 10 lần so với hàng ngày, thậm chí có lúc còn cháy hàng. Vâng, tôi chính là CHIẾC KHẨU TRANG. Và hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe 3 phần trong câu chuyện cuộc đời tôi thời đại dịch Covid-19.

PHẦN 1. CÙNG NHAU 

Tôi giống như một mái nhà, bảo vệ con người khỏi sự nguy hiểm của virus Covid-19. Hơn bao giờ hết, khi đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, con người ta mới ý thức được điều gì thực sự cần nhất trong cuộc đời này? Đó chính là một mái nhà đủ đầy các thành viên mạnh khỏe. Đây là cơ hội hiếm hoi để các thành viên trong gia đình dành nhiều thời gian bên nhau. Hạnh phúc thật giản đơn mà cuộc sống bận rộn khiến chúng ta quên mất. Nhưng ngoài kia, biết bao y bác sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội… vẫn đang ngày đêm hi sinh, quyết tâm bảo vệ đất nước, mang lại sự yên bình cho người dân. Họ cũng mong ngóng được trở về bên tổ ấm của mình nhưng luôn đặt nhiệm vụ cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh lên hàng đầu.

PHẦN 2. KẾT NỐI

Tôi che chắn, bảo vệ con người, mang lại cảm giác yên bình, an toàn đến với tất cả giống như một chiếc ghế sofa. Cách ly xã hội không hoàn toàn đáng sợ và phiền toái như chúng ta tưởng tượng. Hãy dành thời gian này bên nhau và cùng kết nối với thế giới nhờ sức mạnh phi thường của Internet. Kết nối toàn cầu giúp bạn có thể chỉ ngồi ở nhà nhưng vẫn tham gia vào các buổi họp online, xem kịch, bóng đá, múa ballet hay nghe hòa nhạc trực tuyến. Vòng tròn sẽ kết nối chúng ta lại với nhau, không còn khoảng cách của không gian địa lý, không còn sự ngăn cản của dịch bệnh. Xưởng văn hóa giúp chúng ta cùng tham gia, trao đổi, giao lưu và tận hưởng nghệ thuật, giải trí để đời sống tinh thần vẫn trở nên phong phú.

PHẦN 3. TIẾP TỤC

Sau đại dịch, cuộc sống của chúng ta sẽ thế nào? Cuộc sống vẫn tiếp diễn như nó vốn có. Con người quay lại guồng quay của công việc, không thể tách rời Internet, mà còn gắn chặt như hai bánh răng trong một động cơ. Có một điều không thể phủ nhận, đó là: cuộc đại dịch đã khiến con người ta thay đổi suy nghĩ và một vài thói quen, đặc biệt việc dành thời gian cho nhau và chia sẻ tình yêu thương - là món quà tôi luôn cất giấu sau lớp khẩu trang của mình.