Berlin
Esther Dischereit, Nhà văn

Có thể trong tương lai sẽ như thế này: những người có công việc và nhà ở sẽ thuộc về một thiểu số thảm hại, một nhóm nhỏ đáng ghen tị. Hạn mức du lịch khắp thế giới hằng năm của nhóm ấy không bị hạn chế, ngoài ra họ có thể tiếp tục tung khí thải ra khắp quả đất và lập kế hoạch lên mặt trăng chơi bời, vì lớp băng Nam Cực tan chảy và loài gấu trong rừng đã chết vì các chứng bệnh liên quan đến nhiệt độ cao.
 

Von Esther Dischereit

Esther Dischereit © © Bettina Straub Esther Dischereit © Bettina Straub
Tôi phải tìm đến James Agee và Walker Evans bằng được. Hồi 1936 họ có chuyến đi xuyên miền Trung Nam Hoa Kỳ. Một nhà văn và một nghệ sĩ nhiếp ảnh lên đường đi nghiên cứu một số “tình trạng khốn khó bình thường“ và “các nỗ lực trong thực tại con người“ nhất định, như cách họ nói. Franklin D. Roosevelt và New Deal. Tôi muốn gì ở Alabama? Và muốn gì trong sự thiếu vắng an sinh xã hội?

Hay tôi đi tới cuộc sống tốt đẹp, như một lựa chọn khác với cuộc sống vương giả. Đó là mỗi ngày được tắm, 24/7 được mua thực phẩm từ mọi châu lục trên thế giới này với giá rẻ như bèo, vì những người khác trả giá, những người sống ở đâu đó rất xa. Chưa bao giờ tôi thấy thế giới dồn lại gần nhau như lúc này. Nạn châu chấu phá mùa màng hay loài ong chết hàng loạt? Tôi là người thành phố cơ mà. Gói cứu trợ 50 tỉ? Liệu có thể tiến hành một New Deal là xong? Tôi không biết. Hàng triệu người đói nhòm vào cái đĩa của tôi bằng sứ Meißen hay chén bát hàng hiệu Rosenthal, chứ không phải là Bollhagen, không phải Hedwig Bollhagen. Đó là CHDC Đức. Xử lý, xếp hàng chờ đến lượt, đó là hồi thập kỷ chín mươi và sau đó là phụ phí đoàn kết. Ai mua chuối cho tôi để tôi sống sót lâu hơn chế độ?

Ấy đừng ăn hết mọi thứ, không được.
Tái phân chia chứ.
Bây giờ chắc chắn ta phải lo trả phụ phí đoàn kết: ở châu Âu và bên ngoài châu Âu.  
Nếu cần, tôi có thể nấu món pudding và đem bán ngoài phố và cho thuê một phòng - cho những người bị mất chỗ ở vì thất nghiệp. Mấy tờ công trái của bố mẹ tôi hôm nay có giá trị như giấy lộn.

Sẽ có thể xảy ra đụng độ lớn, lúc đó các nhà độc tài toàn thế giới kiểm tra lần nữa các kho vũ khí của mình và toan tiếp quản thần dân, nhưng mặt khác thì nhiều người đã từng được nếm hương vị của tự do. Từ bỏ hương vị của tự do chăng? Rosa Luxemburg nhìn ra từ cửa sổ xà lim của mình và quan sát nhánh cỏ bồ công anh lớn lên. Một giống thực vật không cần ai cầu xin mà cứ thế lớn lên. Tư bản tự ăn thịt mình, nếu ta không cản nó. Xét về cuộc sống tốt, ít nhất thì ta có thể quay trở lại ý tưởng về sự tồn tại. Nếu tôi thể quay trở lại ý tưởng về sự tồn tại thì nhà nước phải ấn định thuế tài sản và kìm chế thuế lợi nhuận. Tôi sực nhớ đến Cương lĩnh “Ahlener Programm“ của CDU, Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức, Đảng của những người bảo thủ ở Đức, trong đó có câu “thời mà chủ nghĩa tư bản tư hữu thống trị vô biên đã qua.“ Cương lĩnh ấy ra đời với dấu  ấn của Thế Chiến II. Ở lớp người cao tuổi lúc này sẽ tái hiện những hình ảnh từ Thế Chiến II, khi các chuyến tàu  không chuyển bánh nữa, máy nước không nhỏ giọt nữa, vì đằng nào cũng có nước từ nhà máy nước nữa đâu.

Có lẽ do đó mà Deutsche Bahn (Công ty đường sắt Đức) để những chuyến tàu không người chạy tiếp, tàu điện ngầm và tàu điện nhanh ở Berlin cũng chạy tiếp, chạy tiếp.
Liệu những chuyến tàu ấy có phải trở lại tình trạng chặt ních như ngày xưa? Nói chung người ta có thể sẽ làm việc ít đi. Làm việc nhiều là không lợi đâu. Hệt như sự thái quá về tiếng ồn, mùi hôi và khai thác vô tội vạ không có lợi cho thiên nhiên vậy. Sẽ nhiều người lúc này hiểu ra điều đó. Khi tôi không buộc phải kiếm tiền nhiều hơn mức tôi có thể tiêu thụ, lúc đó công việc mà tôi cho người khác rõ ràng sẽ có giá trị hơn. Tôi cũng có thể đóng băng tài khoản đi xe của tôi lại. Tài khoản đi xe là gì à? Đó là một quy định cho phép tôi được đi xe ở quy mô nào - ví dụ trong vòng 7 năm.
Sang tới năm thứ 8 thì, sorry, xin lỗi nhé, không được đi xe nữa, giống như một năm buộc phải nghỉ sau 7 năm lao động vậy. Và tôi không được phép đi xe. Tài khoản lao động đã có từ lâu, vì sao chưa có tài khoản đi xe?

Có thể trong tương lai sẽ như thế này: những người có công việc và nhà ở sẽ thuộc về một thiểu số thảm hại, một nhóm nhỏ đáng ghen tị. Hạn mức du lịch khắp thế giới hằng năm của nhóm ấy không bị hạn chế, ngoài ra họ có thể tiếp tục tung khí thải ra khắp quả đất và lập kế hoạch lên mặt trăng chơi bời, vì lớp băng Nam Cực tan chảy và loài gấu trong rừng đã chết vì các chứng bệnh liên quan đến nhiệt độ cao. Họ tìm cuộc sống ở nơi khác. Chớ hoài công mơ mộng là họ sẽ trả lại các bệnh viện của họ cho xã hội. Những kẻ thủ lợi từ khủng hoảng sẽ sống ổn và không chịu định giá thuốc thang ở mức dễ chịu để ai cũng mua được.

Ta hãy lục ra giấy tờ xuất cảnh, xin các châu lục tiếp nhận, làm đơn xin di trú ở những kẻ đỡ bị thiệt hại hơn trong khủng hoảng. Lúc này có thể xoá bỏ các biên giới quốc gia, bởi rõ ràng số người đi lại đông hơn số người không đi lại. Chủ yếu lớp trẻ tìm cách đi lại. Bạn tôi đang viết lời phi lộ cho một kịch bản nhạc kịch. Tôi thấy đó như một chuyện phi thực. Chúng ta hiện đang chứng kiến một vở diễn khủng khiếp như trong tác phẩm “Herzog Blaubarts Burg“ của Béla Bartók hay “Medea“ của Luigi Cherubini. Cuối vở đa số các nhân vật đều chết. Họ chết vì nguyên nhân xã hội hay vì bạo lực thiên nhiên hoặc bởi bàn tay sát thủ. Chúng ta cùng bơi theo dòng, chúng ta khóc thương người chết, cứ như chúng ta không phải người trong cuộc. Chết rồi thì không quan trọng nữa, bất kể tôi là người da đen, Do Thái hay da trắng.  

Cái chết vượt qua Vạch màu (Color Line) đã được Du Bois nhắc đến. Du Bois hồi 1949 đã đến thăm Warsaw, nơi có biệt khu Warsaw, và nhận ra chế độ kỳ thị chủng tộc không chỉ mang ý nghĩa chết chóc đối với người da đen. Duy chỉ lúc này, ba phần tư thế kỷ sau, bên này vạch có nhiều người chết hơn bên kia.

Bài của Esther Dischereit

Thuyết minh: Maren Kroymann
Thuyết minh 2: Esther Dischereit
Nhạc: Philippe Gordiani
Âm thanh: Jean Szymczak
Đạo diễn: Stefanie Hoster

Sản xuất cho Viện Goethe.