Romila Thapar
Sử gia, New Delhi

Có lẽ tôi không bao giờ nghĩ được có một ngày xảy ra sự thử thách nghiệt ngã nhường này đối với cái mà tôi coi là cuộc sống bình thường của mình. Nghiệt ngã tới mức tôi phải tự hỏi, thực ra mình đã hình dung thế nào là cuộc sống bình thường. Tôi thuộc về một thế hệ có niềm tin rằng các nhát cắt sâu vào cuộc sống thường nhật đều có thể được nắm bắt, phân tích và nếu cần thì  chặn lại. 

Theo đó, tri thức và quá trình tư duy phụng sự một mục tiêu có ý nghĩa và có thể hướng tới bảo vệ cuộc sống của con người. Khi những kẻ có quyền lực cố tình tạo những nhát cắt ấy thì lại là một chuyện khác. Nhưng khi đa số trong xã hội kháng lại những kẻ ấy thì có thể chặn được ý đồ của chúng. Hôm nay tôi tự hỏi, vì sao chúng ta lại ngây thơ đến thế. Ai được phép phát hiện và công khai hoá một nhát cắt sâu như thế? Người bác sĩ từng muốn cảnh báo thế giới trước giống virus ấy đã bị chặn họng. Dù vậy không nhiều người nói đến cái mà anh ta phát hiện ra. Một bất ngờ nữa là nhát cắt ấy chém vào Vũ Hán, một trong những đô thị được gọi là siêu hiện đại. Những hình ảnh từ Vũ Hán nhắc tôi nhớ đến quang cảnh của các thành phố tương lai như trong phim khoa học giả tưởng. Nhưng ngay cả một thế giới giả tưởng cũng không kiểm soát nổi giống virus gây bệnh chết người như vậy. Một lúc nào đó tôi tự hỏi, liệu đây có phải là một dạng chiến tranh sinh học. Một giống virus được bí mật tung ra ở một góc nhỏ của thế giới để từ đó thoải mái sinh ra một chứng bệnh lan ra toàn thế giới. Như ta biết, virus không thèm đếm xỉa đến biên giới.

Trong các thế kỷ qua không quá thường xuyên có bệnh dịch. Sách vở châu Á không ghi lại nhiều về các bệnh dịch khủng khiếp như tài liệu châu Âu. Dịch hạch ở châu Âu hồi thế kỷ mười bốn, Cái chết Đen, gây ra thảm họa lớn nhất có thể. Một số người cho rằng khởi thuỷ dịch hạch là ở Trung Á hay Trung Quốc và nó lan truyền dọc theo Con đường tơ lụa – rất có thể cùng các đội quân Mông Cổ trên hành trình xâm lăng châu Âu và trên tàu thuyền của các thương gia Genova đi giao thương với phương Đông. Kỳ quái là dịch hạch không lan tỏa ở Trung Á, nhưng lại có tốc độ cực nhanh ở châu Âu để rồi sau đó bành trướng trong khu vực Hồi giáo. Có lẽ sẽ là một trớ trêu lịch sử, khi Con đường tơ lụa đem lại nhiều thịnh vượng kinh tế nhưng cũng lôi theo một thảm họa khủng khiếp đến cho các chủ thể giàu có trong hệ thống kinh tế đó. Thời ấy đi lại và giao tiếp còn tốn nhiều thời gian, và không phải ai cũng có điều kiện, tuy nhiên bệnh tật vẫn có điều kiện hoành hành ở nhiều khu vực rộng lớn.

Điều đó để lại nhiều hệ quả. Một nửa dân số châu Âu bỏ mạng, và chủ yếu các nạn nhân là người sống trong các khu đô thị có mật độ cư trú cao trong điều kiện tồi tệ. Còn nhiều bệnh khác lan truyền. Cái chết của thân quyến gây tác động sâu sắc đến cuộc sống gia đình. Nhiều nước chứng kiến nền kinh tế bị đứt gãy và việc tái ổn định kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ. Nạn cuồng tín, thuật chiêm tinh và mê tín đủ kiểu gia tăng. Các tộc dân lẻ tẻ bị tấn công – ví dụ người Do Thái bị vu cho là nguyên nhân gây tai họa. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số câu chuyện tinh tế như trong hợp tuyển “Il Decamerón“ của Boccaccio. Tác giả của các câu chuyện ấy là những người chạy trốn khỏi thành Firenze đang bị dịch hạch hành hạ để tìm nơi tự cách ly. Về phương diện nào đó, ta thấy những chuyện ấy rất thân thuộc và mang màu sắc ký ức ảo giác.

Thế giới toàn cầu hoá của chúng ta là nơi con người ngày càng xích lại gần nhau hơn, cho phép dự đoán rằng bệnh tật sẽ lan toả nhanh, vượt qua mọi biên giới. Một hệ quả của toàn cầu hoá là các xã hội cùng thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn để đạt được lợi ích kinh tế cho các bên, và mối quan hệ ấy chặt chẽ đến nỗi một trong những chứng bệnh khủng khiếp nhất có thể dễ dàng phủ sóng cả thế giới một cách nhanh chóng và đánh sập các nền kinh tế. Chẳng phải định hướng của toàn cầu hoá là nâng cao mức sống, xoá đói nghèo, bảo đảm chăm sóc y tế và giáo dục cho mọi người, bảo vệ quyền con người và công bằng xã hội sao? Nhưng cái gì đã xảy ra? Liệu trong tương lai chúng ta vẫn kiên định toàn cầu hoá? Các hy vọng của chúng ta mỗi ngày lại tan rã thêm thành tro bụi, và chúng ta chuẩn bị đối đầu với sự huỷ hoại thế giới.

Khi tất cả qua đi, liệu còn tồn tại những người đủ cẩn trọng cho một khởi đầu mới? Và họ sẽ bắt đầu việc gì? Sẽ tập trung vào các trọng tâm nào? Liệu họ có khả năng tái tạo những gì mà chúng ta từng muốn vươn tới: một xã hội đạo đức được giáo dục tiến tới nhân bản? Hay họ sẽ vứt bỏ các chuẩn mực từng hữu hiệu trong quá khứ gần đây, vì chúng ta dung túng để họ tiếp tục gây áp lực cho chúng ta và ngăn cản chúng ta soi xét lại trật tự xã hội theo mong muốn của chúng ta. Liệu có bao giờ hết hẳn nỗi sợ hãi của chúng ta trước cái vô hình và nỗi lo của chúng ta trước những gì có thể xảy ra nay mai?
Cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ được coi là có liên quan đến dịch bệnh. Chúng ta bận bịu tìm cách tự bảo vệ mình. Đó là điều hợp lý. Nhưng cuộc khủng hoảng này không chỉ xoay quanh dịch bệnh mà thôi. Khi quan sát cách con người xử lý các tình cảnh cực đoan thì chúng ta cũng nhìn thấy một cuộc khủng hoảng. Mỗi ngày mới đồng nghĩa với lệnh kết thúc giới nghiêm lùi xa thêm một ngày và ta nhận thấy điều đó rõ thêm. Lệnh giới nghiêm hàm chứa nhiều vấn đề không có giải pháp. Đối với những người có lương tháng và thu nhập đều đặn thì phong toả xã hội chỉ có hậu quả là những khoản mất mát đáng kể. Nhưng những người làm ăn công nhật thì sẽ hết tiền để mua đồ ăn. Lúc đó sẽ có bao nhiêu người chịu đói? Và liệu những người đói có phải nổi loạn để được nhận miếng ăn? Và những cuộc nổi loạn ấy sẽ nổ ra ở đâu – trong các khu ổ chuột của đô thị, trong trung tâm thành phố tắc nghẹt xe cộ, trên những nẻo đường đầy người lao động lang thang đang cố gắng trong tuyệt vọng để đi bộ về quê tránh chết đói? Khan hiếm thực phẩm có thể sinh ra nạn đói và cả một chợ đen buôn bán thực phẩm. Ai có thu nhập sẽ sống sót qua thời đó. Những người còn lại sẽ đầu hàng số phận.

Sẽ không có việc làm cho hàng triệu người trên thế giới, và tất cả các nền kinh tế quốc dân không thoát khỏi cuộc suy thoái sẽ sụp đổ. Tất cả những ai có thu nhập sẽ mong ước có lại tình trạng bình thường, song sẽ không thể có tình trạng bình thường mà không có việc làm ra tiền. Các chính khách sẽ tận dụng tình trạng giới nghiêm như một giải pháp chính trị để gia cố quyền lực của mình, mặc dù quyền lực ấy chẳng xứng đáng để gia cố. Nhiều mụn nhọt của cơ chế toàn trị sẽ được dịp bung nở. Trong các bài ca về xã hội chỉ còn lời than thở.

Tình trạng bình thường là thế nào? Những người sống sót sẽ phải học lại, thế nào là cái chết trong phẩm giá – bất kể trong điều kiện khủng khiếp đến đâu. Hy vọng sẽ không có quá nhiều người chết thì mới đủ để mỗi người có một huyệt riêng. Khi ta nỗ lực có được một cuộc sống trong phẩm giá thì cũng phải chú trọng một cái chết trong phẩm giá. Cuộc khủng hoảng đưa ta đến một ngã ba đường, là nơi ta soi xét lại những niềm tin của mình vốn xưa nay vẫn lái ta tới một cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn. Thực tế thì ta lái cuộc đời ta men theo bờ vực vô vọng. Tình trạng bình thường chỉ trở lại khi ta quyết định sống một cuộc đời mới. Toàn cầu hoá sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Mục tiêu chính là sống mà không bị phụ thuộc vào các nước khác, thậm chí không phụ thuộc vào các cộng đồng khác có khả năng tự lo liệu cho chính mình. Tiền đề sẽ là sự phi tập trung hoá tri thức, truyền thông và mô hình sống một cách toàn diện. Ta sẽ phải tự hỏi, liệu cái được gọi là sự an toàn của truyền thông kỹ thuật số và kết nối kỹ thuật số thực ra chỉ là ảo tưởng. Ta sẽ phải quay về với kết nối cá nhân. Có thể thoạt tiên phải xoá bỏ tình đoàn kết toàn cầu để mở đường cho tình đoàn kết địa phương.

Càng ngày càng thêm đòi hỏi tăng khoảng cách xã hội. Có một nghịch lý là bản thân một số xã hội, như xã hội Ấn Độ, đã chứa trong mình một khoảng cách xã hội mà nguyên nhân là hệ thống đẳng cấp. Liệu tình hình ấy có bị khắc sâu thêm? Trong các hành động của con người sẽ tăng cường sử dụng công nghệ và máy móc vô danh, và ta sẽ ngập sâu hơn trong tình trạng phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo. Sẽ đến lúc con người hầu như không còn được quan tâm đến nữa.

Virus Covid-19 tất nhiên sẽ không biến mất, nhưng trong các thập kỷ tới nó sẽ từng bước bị khoanh vùng và sau đó trở thành một trong nhiều căn bệnh khác hành hạ thế giới này. Lúc này lúc khác nó sẽ thò cái mặt xấu xí của nó ra. Liệu chúng ta có ngộ ra rằng đại dịch này thực sự là một nhát cắt lịch sử khả dĩ bắt ta soi chiếu lại các hình dung của chúng ta về nền văn minh nhân loại ở dạng biểu thức của nhân tính và cả trong mối liên quan tới trái đất mà ta đang sống? Và phải chăng, trong khi suy tư những điều trên, chúng ta nên phát triển một nhu cầu tất yếu là làm cho bản thể của con người trở nên con người hơn?