Nairobi
Nanjira Sambuli, nhà khoa học chính trị

Von Nanjira Sambuli

Nanjira Sambuli  © © World Wide Web Foundation  Nanjira Sambuli © World Wide Web Foundation

TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CÓ GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG GÌ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN BÀ VÀ ĐẤT NƯỚC BÀ?

Từ khi chưa phát hiện ra trường hợp nào, người Kenia chúng tôi đã đòi chính phủ phải ban hành các biện pháp phòng ngừa, vì chúng tôi biết rõ tính mong manh của cơ sở hạ tầng trong nước. Nhưng người ta không chịu nghe chúng tôi. Con số những trường hợp mắc bệnh được xác nhận tiếp tục tăng lên. Khái niệm “giãn cách xã hội“ để lại trong ngôn ngữ của chúng tôi một âm hưởng kỳ quái. Yêu cầu mọi người ở nhà có gì đó dã man, vì công việc kiếm sống hằng ngày của đa số người dân gắn liền với sự nhộn nhịp ngoài phố. Lệnh cấm ra khỏi nhà ban đêm đã gây ra hậu quả là nhà nước phải dùng bạo lực, số người Kenia bỏ mạng cũng nhiều như số người chết vì virus, thậm chí có thể còn nhiều hơn. Cứ làm như cảnh sát đánh bật con virus ra khỏi cơ thể người dân vậy.

Cuộc họp báo hằng ngày vào lúc 16 giờ của Bộ trưởng y tế luôn luôn diễn ra theo một mẫu nhất định. Sau khi nêu ra con số người mới nhiễm bệnh, ông cho chúng tôi một bài huấn thị vì chúng tôi không coi trọng vấn đề virus. Ngày nào cũng vẫn một chương trình ấy.
 
Tít lớn trên tờ Daily Nation số ra ngày 3-4-2020 là biểu tượng cho sự xa rời quần chúng của những người có trách nhiệm đưa ra quyết định ở nước chúng tôi. Một trong những cách phản ứng đối với tít báo nêu trên có thể là: Người Kenia chúng tôi ngày nào và lúc nào mà chẳng khiêu vũ với thần chết. Con virus corona là một chướng ngại vật bổ sung vào danh mục dài các chướng ngại vật khác được dựng lên trên đường của người Kenia.

ĐẠI DỊCH SẼ THAY ĐỔI THẾ GIỚI RA SAO? BÀ NHẬN THẤY HỆ QUẢ DÀI HẠN NÀO CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG?

Qua Covid-19 lại một lần nữa các thực tế về xã hội và hệ thống của chúng tôi được phơi ra ánh sáng. Chúng tôi sẽ còn cảm nhận mọi hệ quả của đại dịch đang bao trùm đất nước này nhiều năm nữa.
 
Chứng kiến những sự kiện ấy, các dân biểu của chúng tôi đã lặn mất tăm – nhưng trên mạng xã hội họ vẫn tiếp tục chăm chỉ tham gia tranh luận. Họ tiêu tốn nhiều năng lượng cho thái độ chính trị dền dứ của họ hơn là cho chính công tác lãnh đạo đất nước, và điều đó đã được chấm dứt khẩn trương. Những khoản chi đã được phê chuẩn, nay chuyển sang cho cuộc chiến chống virus. Các tít lớn trên báo hiện không nói đến các mưu mô của giới chính trị gia ở nước chúng tôi – quả là một ngoại lệ.
 
Không ai được xuất cảnh để chữa bệnh. Nếu có ai đó trong giai cấp thống trị và thuộc lớp nhà giàu bị nhiễm bệnh thì người đó phải chấp nhận đi khám chữa bệnh tại hệ thống y tế trong nước, vốn bị lơ là bỏ mặc bao lâu nay – cũng giống đa số các nước khác ở lục địa chúng tôi.
 
Chúng ta cùng ngồi chung thuyền. Corona không phân biệt gì cả.
 
Đồng thời chúng tôi triển khai các chiến lược mà lẽ ra phải được triển khai từ lâu rồi. Trong nước sản xuất được các đồ bảo hộ y tế. Tại sao, người ta tự hỏi, cho đến nay cứ dùng hàng nhập khẩu?
 

CÁI GÌ KHIẾN BÀ HY VỌNG?

Cho đến nay nhiều vấn đề của nước chúng tôi - mà nguyên nhân thường hoàn toàn do chính sách và cách lãnh đạo - bị quét xuống dưới thảm. Giờ thì tấm thảm đó bị lật lên, và chúng tôi phải dọn chỗ rác rưởi nằm dưới đó đi. Đã đến lúc chính phủ đương nhiệm phải đáp ứng trách nhiệm của mình. Tôi không tin là người ta có thể tiếp tục giấu giếm các chuyện xấu xa. Tuy nhiên muốn đạt được điều đó thì tất cả phải cùng đồng lòng nhất trí.
 
Kể cả khi họ bịt miệng những người bất bình, tiếng nói của họ vẫn vang đến tận hang cùng ngõ hẻm trong nước. Và tiếng nói ấy sẽ còn ầm vang hơn trong những tháng tới. Lạ thay, chính ý nghĩ ấy làm lòng tôi ngập tràn hy vọng, vì lúc này chúng tôi có cơ hội làm mới cơ cấu xã hội. Thần Utu (Thần Mặt trời của Lưỡng Hà cổ đại, thần của công lý, đạo đức và chân lý) của chúng tôi sức khoẻ tuyệt vời. Tôi hy vọng chúng tôi có thể kích hoạt nguồn lực đó để đưa chính phủ của chúng tôi đến với con đường sáng.