Thư viện - nơi học tập
"Tri thức miễn phí cho mọi người. Chấm hết"

Tương lai của thư viện
Tương lai của thư viện | © raumlaborberlin Thực hiện theo yêu cầu của các dự án văn hóa Berlin

Ngày càng có ít hơn những địa điểm giao lưu công cộng, được tự do tiếp cận và có nhiều người không được tiếp cận nền giáo dục có trình độ cao. Nico Koenig và Grif Peterson từ Peer 2 Peer University nói về tiềm năng của các thư viện trong việc tăng cường cho cộng đồng và như là những không gian cộng đồng cho việc học tập suốt đời.

Có một nhận định tồn tại dai dẳng là Internet làm cho thư viện trở nên không cần thiết. Theo ý kiến của các ông thì thư viện có vị trí nào trong xã hội số hóa?
 
Grif Peterson: Chúng ta đang sống trong một thời đại thất vọng, chán chường. Có vô số những tổ chức và dự án tuyên truyền cho Internet và kỹ thuật số như là một phương tiện cho sự dân chủ hóa và sự giải phóng lâu dài. Đồng thời nhiều tổ chức này lại ủng hộ những tiền đề kinh doanh và quan hệ sở hữu phi dân chủ và phi tự do. Những tổ chức đó phản ánh các mô hình kinh doanh tự do mới chế ngự thế giới bên ngoài Internet. Nếu người ta quan sát kỹ cái gọi là những phương án phá cách của các tổ chức và công ty này – cho dù là Blockchain, chương trình học Online hay phát triển các ứng dụng App – thì sẽ nhận ra rằng, đa số những phương án đó đơn giản chỉ là một phiên bản số hóa của các cơ cấu quyền lực và lối sống đang tồn tại, chứ không phải là dùng kỹ thuật số tạo ra các phương án mới. Từ đó chúng tôi rút ra kết luận là các diễn đàn Online và Offline muốn chống lại tình trạng mất bình đẳng hiện đang gia tăng cần phải được chăm sóc, bảo vệ và nhân rộng ra.

Tại điểm này thì thư viện vào cuộc. Ít nhất ở Bắc Mỹ các thư viện và các cơ sở tôn giáo về nguyên tắc là những địa điểm duy nhất, nơi mỗi người có thể tùy ý tìm đến mà không bị quấy rầy hoặc bị thúc ép phải mua một thứ gì đó. Vì thế đối với tôi điều mang tính chất rất quyết định ở đây là đảm nhận và công nhận vai trò của một thư viện công cộng trong xã hội hiện đại. Về việc học tập thì hiện nay chúng tôi đang tìm kiếm phương tiện để thực hiện nhiệm vụ đào tạo của thư viện tại các địa phương thông qua các chương trình học dành cho người dân địa phương và do chính quyền địa phương tự quản lý. Những chương trình đó có thể thực hiện được mà không cần cấp phép, bản quyền hoặc giáo viên thỉnh giảng. Điều quan trọng là kết quả có được từ kinh nghiệm chung về học tập này phải được ghi chép lại, vì điều đó sẽ tăng cường nhận thức là mỗi người đều có thể tiếp thu cũng như tạo ra kiến thức.
 
Hướng tới đào tạo thì thư viện có thể đảm nhận vai trò nào?

Nico Koenig: Từ lâu nay các chương trình đào tạo đã là thành phần trong các công việc của thư viện. Tuy nhiên tương lai của thư viện như là một trung tâm đào tạo thì chưa được định nghĩa rõ ràng. Hiện nay người ta thiên về nhận thức là đến thư viện để học cho vui thôi. Có thể điều đó đúng với một số người, nhưng chúng ta biết là thư viện giúp đỡ mọi người học cách đọc hoặc học kiến thức ngôn ngữ, học các kỹ năng phức hợp và học cách làm việc một cách có ý nghĩa. Như vậy người ta sẽ được trang bị cho một tương lai mình mong muốn! Ngoài ra tương tự như trường đại học, thư viện chuẩn bị cho người học để đạt được một bằng cấp cao hơn. Trường đại học và thư viện đều có những chương trình đào tạo bồi dưỡng và đôi khi có cùng những giáo viên giảng dạy trong cùng những giờ học ở hai nơi! Tất nhiên thư viện có những giới hạn của mình. Thư viện sẽ không thể làm công tác nghiên cứu hoặc thành lập một trường đào tạo nghề, nhưng ngay cả điều đó cũng không phải là quy định đã được khắc sâu vào bia đá. Chính vì thế tuyên bố của chúng tôi „Trường đại học đã chết, thư viện sống mãi“ như là một lời mời xác định các khả năng và định hướng của thư viện trong một bối cảnh rộng mở. Trong đó không được nhìn nhận thư viện là sân khấu phụ, mà phải là yếu tố dẫn dắt trong đào tạo.

„Là trung tâm của một địa phương, thư viện có thể làm nhiều hơn là việc chỉ dẫn người sử dụng thư viện tìm một quyển sách hay một trang web để giải đáp các câu hỏi của họ.“

Thư viện cần nhận thức gì và những phương pháp nào cho điều đó?

Grif Peterson: Khác với nhiệm vụ của nhiều trường đại học, nhiệm vụ của thư viện mang tính chất cơ bản: tri thức miễn phí cho tất cả mọi người. Chấm hết. Với công việc của chúng tôi, chúng tôi muốn khích lệ các thư viện tận dụng tiềm năng không giới hạn trong nhiệm vụ của mình và nhận thức được rằng, là trung tâm của một địa phương thư viện có thể làm được nhiều hơn là việc chỉ dẫn người sử dụng thư viện chỉ tìm một quyển sách hay một trang web.Tuy nhiều thư viện từ lâu nay đã cung cấp nhiều hơn hẳn các loại dịch vụ, nhưng nhìn chung vẫn còn cần phải giải thích nhiều để công chúng nhận thức được không gian học tập trong các thư viện.
 
Làm việc đó trong thực tế như thế nào? Và tổ chức Peer 2 Peer University của các ông đóng vai trò gì?

Grif Peterson: Trước tiên chúng tôi thuyết phục cán bộ, nhân viên thư viện phải coi thư viện của họ là một cơ sở của địa phương. Nhất là các thư viện lớn thường gặp khó khăn về điểm này, vì chi nhánh của thư viện lớn thường thiếu quyền hạn hoặc cán bộ, nhân viên thiếu thời gian để thực hiện công tác quan hệ công chúng. Những quy định như giờ mở cửa cứng nhắc và nội quy nghiêm ngặt về tác phong, cư xử có thể tạo ấn tượng thư viện không phải là một nơi hiếu khách. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều nhân viên thư viện không biết họ phải cư xử với người sử dụng thư viện hoặc những người hoạt động tình nguyện như thế nào khi họ đưa ra đề nghị cải thiện hoạt động của thư viện. Chắc chắn phải vượt qua nhiều rào cản hành chính. Tuy nhiên trước tiên người ta có thể dành chút thời gian để hiểu được nhu cầu đào tạo của số đông, tiếp xúc với nhu cầu đó một cách nghiêm túc và trên tinh thần tương tác và tự dịch chuyển ra ngoài tuyến đường đang đi.
 
Chúng tôi khích lệ các thư viện tuy giới thiệu các chương trình hợp tác học tập, nhưng không hạn chế.Ví dụ như khi một thư viện tập hợp lại 20 người muốn học kỹ năng diễn thuyết, thì người ta không được để mặc họ một mình. Nhiều người sẽ cảm thấy bị quá tải và sau đó bỏ cuộc. Chúng tôi cần người hướng dẫn người khác khi học tập. Tuy nhiên chúng tôi cũng không muốn thực hiện giờ học trong thư viện theo những tuyến đường cố định như thông thường trong trường đại học với sách giáo khoa đắt tiền và những kỳ thi được chuẩn hóa.
 
Chúng tôi muốn cùng các thư viện xây dựng những chương trình được thiết kế sao cho có thể đưa người học đi đúng đường. Đồng thời họ cũng phải có đủ tự do để tự điều chỉnh kinh nghiệm học tập của mình và không phải tuân theo ý muốn của cả một lớp học. Điều đó không phải luôn luôn dễ dàng. Nhưng phương pháp „Học tập theo công đoạn“ giúp phá vỡ phương án chỉ học các kỹ năng và giúp để nhận thức được rằng, tất cả chúng ta vừa là người dạy học và vừa là người học. Nhìn chung chúng tôi đã xây dựng phương án này với thư viện thành công hơn là với trường đại học. Vì như đã đề cập, triết lý này tuyệt đối phù hợp với nhiệm vụ của các thư viện.
 
Nico Koenig và Grif Peterson đại diện cho Peer 2 Peer University (P2PU) đã trình bày bài tham luận „Universities are an endangered species. Long live the library!“ (Trường đại học là một chủng loại đang bị đe dọa. Thư viện muôn năm!) trong Hội nghị Next Library® 2018 ở Berlin. P2PU là một mạng lưới cơ sở của các thủ thư, nhà sư phạm, đại diện lĩnh vực công tác cộng đồng, các chuyên gia phát triển, những nhà thiết kế và những người học. Mục tiêu chung của họ là „tạo ra một hình thức đào tạo khác, công bằng, có năng lực và không trói buộc - bên cạnh hệ thống đào tạo đại học đang tồn tại.“
Nico Koenig và Grif Peterson đại diện cho Peer 2 Peer University (P2PU) đã trình bày bài tham luận „Universities are an endangered species. Long live the library!“ (Trường đại học là một chủng loại đang bị đe dọa. Thư viện muôn năm!) trong Hội nghị Next Library® 2018 ở Berlin. P2PU là một mạng lưới cơ sở của các thủ thư, nhà sư phạm, đại diện lĩnh vực công tác cộng đồng, các chuyên gia phát triển, những nhà thiết kế và những người học. Mục tiêu chung của họ là „tạo ra một hình thức đào tạo khác, công bằng, có năng lực và không trói buộc - bên cạnh hệ thống đào tạo đại học đang tồn tại.
 
Nico Koenig
Nico Koenig | © Nico Koenig
Nico Koenig, Peer 2 Peer University, Phụ trách lĩnh vực cộng đồng
Nico Koenig điều phối chương trình học tập theo công đoạn và tư vấn cho các nhà sư phạm và các thủ thư kết nối với P2PU. Ông có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực xây dựng, điều phối và hỗ trợ các kế hoạch và dự án học ngoài nhà trường và dựa trên cộng đồng giành cho người trưởng thành.
 
Grif Peterson
Grif Peterson | © Grif Peterson
Grif Peterson, Peer 2 Peer University, Phụ trách chương trình
Grif Peterson chịu trách nhiệm thiết kế và phát triển phương pháp học theo công đoạn, gồm cả việc chọn lựa và đưa vào thực hiện các khóa học Online, chịu trách nhiệm lập phương án và phát triển các phương tiện hỗ trợ người dạy và người học, cũng như đào tạo và hướng dẫn người dạy. Ông chịu trách nhiệm duy trì quan hệ của P2PU với các thư viện công cộng trên khắp thế giới và đã thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều thư viện lớn như Chicago Public Library và Kenya National Library Service.