Kiến trúc xã hội ở Việt Nam
Cây mọc ra từ nhà

Trách nhiệm xã hội và xây dựng thân thiện với môi trường là những chủ đề trọng tâm trong đàm luận quốc tế về kiến trúc. Ngô Anh Linh, một kiến trúc sư sinh ra ở Việt Nam, lớn lên tại Đức và là đồng chủ biên của tạp chí ,,ARCH+“ giới thiệu những sự phát triển hiện nay của kiến trúc tại Việt Nam và những gì chúng ta có thể học được từ kiến trúc Việt Nam.
Anh Ngô, ,,think global, build social” (tư duy toàn cầu, xây dựng xã hội) là khẩu hiệu cho một trào lưu phát triển trên thế giới nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của kiến trúc. Các kiến trúc sư quan tâm tới những vấn đề xã hội và chính sách môi trường, xây dựng các giải pháp kiến tạo dựa trên các nguồn lực địa phương và qua đó tự phân biệt họ với kiến trúc hình tượng của những KTS danh tiếng. Một vài ví dụ ở Việt Nam?
Việc lên kế hoạch cho các dự án với ngân sách rất hạn chế và chỉ sử dụng các vật liệu có sẵn tại địa phương là một thách thức lớn. Rút cục vấn đề là chuyển thể nhu cầu xã hội thành kiến trúc đương đại, có nghĩa là tạo nên những tòa nhà hướng tới mục đích sử dụng với một ngôn ngữ hình thể tự thân. Chất lượng đặc biệt của kiến trúc xã hội là sự thử nghiệm với các phong cách xây dựng và vật liệu truyền thống. Thông qua việc sử dụng sáng tạo các nguồn tài nguyên hạn chế có tại chỗ thường xuất hiện những giải pháp bền vững hơn và phong phú hơn so với các công trình tiêu chuẩn hóa trông giống nhau trên khắp thế giới. Những kiến trúc sư coi trọng ý nghĩa xã hội không chỉ là những người thiết kế, mà còn là những nhân tố kiến tạo, khởi xướng các dự án, thu xếp nguồn tài chính và tổ chức các quá trình tham gia trong cộng đồng.
Các thành phố phát triển, sức ép lên giao thông gia tăng và các đô thị lớn có mật độ xây dựng cao đặc biệt bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Có những giải pháp nào?
Người ta không thể quay ngược thời gian. Khí hậu do con người tạo ra là một thực tế mà chúng ta phải đối mặt. Tuy vậy, khắc phục các vấn đề bằng kỹ thuật xây dựng nhà ngày càng „thông minh hơn“ không nhất thiết là giải pháp tốt nhất. Cần phải nhận ra rằng khí hậu do con người tạo ra trong thành phố làm cho sự phân chia khí hậu “tự nhiên“ ngoài trời và khí hậu “nhân tạo“ trong nhà trở nên lỗi thời. Như vậy vấn đề là phát triển những tầm nhìn và những kiểu hình thái hoàn toàn mới cho cuộc sống ở các thành phố lớn, như văn phòng của kiến trúc sư Võ Văn Nghĩa ở thành phố Hồ Chí Minh đang thử nghiệm.
Anh gọi việc sử dụng thử nghiệm những truyền thống sẵn có như tiêu chí chất lượng cho kiến trúc xã hội. Vậy ảnh hưởng từ quốc tế đóng vai trò gì?
Trong một thế giới được kết nối và toàn cầu hóa, đương nhiên nó tác động đến công việc. Liên quan đến vấn đề này trước hết phải nêu tên các kiến trúc sư Anna Heringer và Diébédo Francis Kéré, những người đến nay đã trở thành những ngôi sao. Họ có vai trò rất quan trong như những tấm gương. Bởi vì họ đã chỉ ra rằng, trong khi tranh luận về các vấn đề xã hội và khí hậu, về sự đánh giá lại các vật liệu và phong cách xây dựng bị coi là “rẻ tiền“, người ta có thể tiến tới một quan điểm rất độc lập, thậm chí được đánh giá cao trên trường quốc tế. Rút cục là một nhà thiết kế, người ta tất nhiên muốn tác động và dịch chuyển một chút chứ.
Kiến trúc sư phương Tây có thể học được gì từ kiến trúc sư Việt Nam?
Với hai số của tạp chí Arch+ chúng tôi muốn qua một ví dụ cụ thể lưu ý đến hai xu hướng toàn cầu: Số tạp chí thứ nhất „Việt Nam – Sự tiên phong thầm lặng“ hướng sự chú ý đến một trách nhiệm xã hội mới của kiến trúc và trách nhiệm mới đó đã chứng tỏ rằng nó là điểm khởi đầu cho một nền tảng mới cho bộ môn này. Số tạp chí thứ hai „Việt Nam – Sự trở lại của khí hậu“ ghi nhận một bước ngoặt trong ứng xử đối với những thách thức của khí hậu. Thay vì xử lí các vấn đề khí hậu một cách thông thường về mặt kỹ thuật, các kiến trúc sư trẻ Việt Nam giải quyết chúng theo một cách sáng tạo với các phương tiện kiến trúc.
Như vậy hai số tạp chí về Việt Nam chỉ ra rằng, bên cạnh việc xây dựng với tính chất xã hội, thì việc thiết kế thân thiện với môi trường của ngành kiến trúc có thể mở đường dẫn đến một ý nghĩa xã hội mới. Nó cũng cảnh báo là cần phải cân bằng sự tranh cãi giữa lập luận khu vực và lập luận đại thể và nhận ra những cái bẫy dẫn đến việc quay trở lại những truyền thống thực sự hoặc giả tạo.
Ngô Anh Linh