Sân khấu
Chống lại xu hướng Hữu khuynh

Từ khi ở Đức, Đảng Sự lựa chọn của nước Đức theo chính sách dân túy cánh hữu lọt vào các quốc hội của các bang, áp lực lên môi trường sân khấu và văn hóa Đức đã gia tăng rõ rệt. Tuy nhiên các cơ sở văn hóa đã học được cách ứng xử trước những hoạt động công kích của cánh hữu – không chỉ bằng những liên minh đoàn kết.
Khẩu hiệu „Chúng tôi không phải công chúng của các người” nổi bật trên tấm băng rôn lớn treo cạnh cổng ra vào. Dòng chữ “Sân khấu nhân dân” được nhà hát phủ đen, cũng như chiếc bánh xe huyền thoại của tên cướp (mô phỏng đạo cụ trong vở kịch “Những tên cướp của Schiller) của nhà thiết kế sân khấu Bert Neumann dựng lên năm 1994 trên bãi cỏ bên quảng trường Rosa-Luxemburg trước nhà hát. Trên cổng ra vào lấp lánh khẩu hiệu mầu đỏ của Liên minh đoàn kết. Tháng 10/2018 Liên minh này đã vận động được 240.000 người ở Berlin xuống đường phản đổi nạn phân biệt chủng tộc: „Không thể tách rời“.
Từ năm 2016 – khi đảng AfD dân túy cánh hữu vào được quốc hội của 5 bang, sau đó năm 2017 vào cả quốc hội liên bang – áp lực lên nhà hát, nhà hát nhạc kịch và viện bảo tàng gia tăng trên khắp nước Đức. Những nhóm cánh hữu và các nhà hoạt động cánh hữu là rất đa dạng, cũng như những công cụ mà họ sử dụng. Một số lớn các Email nặc danh với nội dung hằn thù, đe dọa giết người và đặt bom chống lại các nghệ sĩ và các cơ sở văn hóa đã tạo ra một trạng thái đe dọa chung, khó nắm bắt được trong môi trường văn hóa. Một số tác phẩm được dàn dựng để chống lại khuynh hướng lệch sang phía cánh hữu trong xã hội thậm chí đã bị tấn công bằng bạo lực. Vở Peak White hay Wir sinkt das Volk của Kevin Rittberger tháng 10/2016 mới „chỉ“ làm cho AfD biểu tình phản đối trước nhà hát Heidelberg, thì ngay sau đó Trung tâm văn hóa Lokomov ở Chemnitz đã bị đặt bom, để ngăn cản một tác phẩm của nhà hát với nội dung hồi tưởng lại những vụ giết người có nguồn gốc nhập cư của tổ chức khủng bố cực hữu theo khuynh hướng quốc xã.
liên minh đoàn kết và tư vấn lưu động
Trong tháng 9/2016 Nhà hát Maxim Gorki ở Berlin đã từng là mục tiêu của cái gọi là “can thiệp thẩm mỹ“ của một phong trào mang bản sắc cực hữu, khi phong trào này tấn công vào chương trình được truyền trực tiếp radioeins và Freitag Salon. Trong tuyên bố báo chí của những người cánh hữu, người dẫn chương trình Jakob Augstein bị coi là „đại diện đặc trưng cho tầng lớp lãnh đạo tự do cánh tả“ và khách mời là nhà nữ thần học Margot Käßmann bị coi là „Kẻ ái kỷ cổ súy một sự phát triển sẽ làm cho người Đức chúng ta trở thành thiểu số trong chính đất nước mình“.
Để phản ứng lại hành động xâm phạm „không gian được bảo vệ“ đã từng được trích dẫn nhiều lần của nhà hát, mà trong đó một phần lớn nhân viên có nguồn gốc nhập cư, Nhá hát Maxim Gorki đã nhờ Hội tư vấn lưu động chống chủ nghĩa cực hữu (MBR) tư vấn và huấn luyện. Cách làm đó và việc công khai đưa ra một „điều khoản loại trừ“ cho đến nay đã được nhiều nhà hát noi theo. Với „điều khoản loại trừ“ này phía tổ chức sự kiện giữ quyền không cho những người có tư tưởng cực hữu hoặc tham gia các tổ chức cực hữu vào địa điểm tổ chức sự kiện. Biện pháp đó tạo điều kiện không chỉ cho việc truy xét về phép lý các vụ xâm phạm, mà theo kinh nghiệm của MBR thì những kẻ cực hữu quấy rối ngay từ đầu đã ít đến những sự kiện có một điều khoản loại trừ công khai như vậy.
Vì mối đe dọa của các thể lực cánh hữu ngày càng gia tăng, nên giới văn hóa Đức đã liên kết với nhau trong một liên minh đoàn kết chưa từng có tiền lệ: nhân danh hơn 300 cơ sở nghệ thuật và văn hóa, ngày 09/11/2018 „Tuyên bố của nhiều người“ đã được công bố tượng trưng tại Düsseldorf, Hamburg, Dresden và Berlin. Tuyên bố này không chỉ gợi nhớ đến việc ở Đức „nghệ thuật đã từng bị phỉ báng là thoái hóa và văn hóa bị lạm dụng trên diện rộng cho mục đích tuyên truyền“, mà còn cam kết không là „diễn đàn […] cho việc tuyên truyền theo chủ nghĩa quốc gia và phân biệt chủng tộc“.
Chính sách (chống) văn hóa
Một công cụ chính trị đảng phái của chính sách văn hóa của AfD hay được sử dụng là các cuộc thăm dò ý kiến trong nghị viện. Về thực tế chính trị thì AfD còn rất bất lực, nhưng công kích vấn đề tài chính của từng cơ sở văn hóa lại có tác dụng với công luận, có lẽ với mục tiêu là sẽ được thực sự ghi nhận với tư cách là „phong trào“ hoặc là một „sự lựa chọn khác“ trong các cuộc tranh luận về chính sách văn hóa. Theo đó tháng 10/2017 AfD Berlin trong Ủy ban Văn hóa, với những lý do nhiều lần được coi là tùy tiện và không khách quan, đã yêu cầu cắt giảm ngân sách hai năm 2018/2019 cùng một lúc của 3 nhà hát tầm cỡ: Nhà hát Maxim Gorki, Nhà hát Đức và Cung Friedrichstadt. Giám đốc Cung Friedrichstadt là Berndt Schmidt và ngay trước thời điểm đó, trong một Email nội bộ, ông đã tách biệt mình khỏi những cử tri kỳ thị người nước ngoài bầu cho AfD. Song song với những cuộc đụng độ này, các Email thù địch và đe dọa giết người đã làm Cung Friedrichstadt phải tạm ngừng hoạt động. Vì một vụ đe dọa đánh bom, đã từng phải sơ tán 1.800 người.
Tuy nhiên cho đến trước cuộc khủng hoảng Corona tình hình trong môi trường nhà hát Đức đã trở nên bình ổn hơn. „Trong mạng lưới đoàn kết và tự hoạt động, các nhà hát và cơ sở văn hóa tìm cách ứng xử trước những hoạt động công kích từ cánh hữu“, bà Karoline Zinßer, chủ nhiệm văn phòng „Hội nhiều người“ ở Berlin giải thích. „Thông qua trao đổi kinh nghiệm, họ đã tự đưa mình vào một vị trí tích cực và kiến tạo, họ đã tự tổ chức và đoàn kết với nhau. Điều đó làm cho khó công kích được họ hơn“, bà nói. Số lượng các cơ sở văn hóa ở Đức và Áo đã ký „Tuyên bố của nhiều người“ từ khi khởi xướng phong trào tháng 11/2018 đã tăng lên đến 4.400.