Nghệ thuật của Joseph Beuys
Định hình xã hội như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình

Joseph Beuys là họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trình diễn và sắp đặt, nhà giáo, nhà chính trị, nhà hoạt động – và là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Như nghệ thuật của ông vẫn còn tác động đến tận ngày nay.
Ông đã đi đến giới hạn, những giới hạn đôi khi làm đau đớn. Cần phải làm cho đau đớn. Và cả những ai chưa từng nhìn thấy một tác phẩm nào của Joseph Beuys, có lẽ cũng biết câu nói được trích dẫn nhiều, nhưng thường bị hiểu sai của ông: „Mỗi người là một nghệ sĩ“. Qua đó ông không hề muốn nói rằng, mỗi người là một họa sĩ, kiến trúc sư hay nhà soạn nhạc, mà mỗi hoạt động của con người có thể chứa đựng một đòi hỏi của nghệ thuật. Với quan điểm đó Beuys đã thay đổi một cách cơ bản cho đến ngày nay bản chất, vật chất, giới hạn và nhiệm vụ của nghệ thuật.
Joseph Beuys được coi là một người có sức lôi cuốn rất to lớn. Với thái độ sẵn sàng cung cấp thông tin của ông đối với truyền thông và với thái độ không nương tay với bản thân mà với nó trong những lần trình diễn nghệ thuật của minh ông đã thể hiện đến mức cùng kiệt sức lực, ông đã tạo ảnh hưởng to lớn lên những nghệ sĩ trẻ. Danh sách những học trò của ông thời ông là giáo sư Học viên nghệ thuật Düsseldorf đọc như là danh sách những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ CHLB-Đức trước kia: Imi (Klaus Wolf) Knoebel, Imi (Rainer) Giese, Blinky Palermo, Norbert Tadeusz, Anatol Herzfeld, Bazon Brock, Chris Reinecke, Katharina Sievering, Erinna König, Reiner Ruthenbeck, Johannes Stüttgen – tất cả họ đã tụ tập nghe Beuys giảng trong phòng học số 19 của chuyên ngành về thể loại điêu khắc tượng đài. Một trong số những học trò nổi tiếng quốc tế nhất cho đến ngày nay của Beuys là Jörg Immendorff, nhà họa sĩ, điêu khắc và giáo sư nghệ thuật đã mất năm 2007. Từ năm1964 ông đã theo học lớp của Beuys. Hàng chục năm sau đó Immendorff vẫn suy ngẫm, phân tích mối quan hệ với Beuys, cả khi Beuys đã mất năm 1986. Beuys đã khích lệ ông sử dụng những chủ đề và hình thức hoàn toàn mới lạ trong hội họa.
tạo hình xã hội
Về nội dung, Beuys đòi hỏi một sự thay đổi căn bản xã hội. Không như bất cứ một nghệ sĩ nào khác trong thời đại ông, Beuys gắn nghệ thuật với xã hội, kết nối nghệ thuật với chính trị, khoa học, triết học và kinh tế. Xuất phát điểm là lý thuyết của ông về nghệ thuật tạo hình xã hội, đã được ông thực hiện với công trình 7.000 cây sồi – rừng hóa thành phố thay thế cho hành chính hóa thành phố tại triển lãm documenta tổ chức năm 1982 tại Kassel: Beuys và nhiều tình nguyện viên đã trồng 7.000 cây xanh trong vòng 5 năm tại những địa điểm khác nhau ở Kassel, mỗi cây kèm theo một bia đá bazan. Ngày nay dự án gây tranh cãi hồi đó đã trở thành một trong những điểm nhấn trong hình ảnh của thành phố Kassel.
Định hình một trật tự xã hội như một tác phẩm của nghệ thuật tạo hình, đó là nhiệm vụ của tôi và của nghệ thuật“, Beuys đã nói như vậy.
„Ý tưởng về nghệ thuật tạo hình xã hội, cho dù tôi không thích chữ nghĩa này, có lẽ là di sản nghệ thuật lớn nhất của Beuys“, nhà triết học và nghệ sĩ trình diễn Philipp Ruch giải thích. Ông đứng đầu Trung tâm Cái đẹp chính trị (ZPS), một tập hợp các nghệ sĩ và nhà sáng tạo từ năm 2009 với những dự án nghệ thuật khiêu khích đã gây náo động ở Đức. „Các nghệ sĩ trình diễn không điêu khắc đá mà điêu khắc ngay chính xã hội. Chất liệu của họ là thực tế chính trị và không phải là những chất liệu thông thường.“
khai sáng bằng cách làm cho bối rối
Như thế Beuys cũng là một nhân vật then chốt để nhận thức tác phẩm của Christoph Schlingensief. Nhà đạo diễn sân khấu và phim Đức, tác giả và nghệ sĩ trình diễn mất năm 2010, đã công khai tôn thờ Beuys. Sự gần gũi với Beuys thể hiện rõ ràng trong các tác phẩm phê phán xã hội của Schlingensief, như Người nước ngoài đi ra ngay! Container của Schlingensief - một dự án nghệ thuật và điện ảnh được trình diễn nhân dịp Liên hoan văn hóa Những tuần lễ Lễ hội Viên năm 2000. Ý niệm của trình diễn này định hướng đến Show truyền hình Big Brother: Một số người xin tị nạn tụ tập trong một container. Hàng ngày công chúng xem show diễn này biểu quyết chọn một người tị nạn và người đó sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Áo.