Thảo Luận và Giao Lưu trực tuyến Marina Abramović 'The Space in Between'

Marina Abramovic - The Space in Between © MARINA ABRAMOVIĆ

T2, 13.07.2020

19h00

Goethe-Institut Hà Nội

Giao lưu trực tuyến cùng nghệ sĩ Marina Abramović khoảng 21h30 – 22h00

'The Space in Between'
là bộ phim mới nhất về hành trình nghệ thuật đầy quyết liệt của nghệ sỹ Trình diễn lừng danh Marina Abramovíc. Là một bậc thầy của nghệ thuật biểu đạt hành vi, Abramovich dùng hành vi để khám phá thế giới một lần nữa. Bà đến thăm bảy thị trấn ở Brazil và gặp bảy nhà ngoại cảm với những khả năng đặc biệt khác nhau. Khoảnh khắc giao thoa giữa tâm trí và linh hồn, tiếp xúc trí tuệ cổ xưa từ thiên nhiên, hay khi vận trên mình bộ trang phục của nền văn minh cổ, hay khoảng khắc đụng chạm đến tâm hồn nhạy cảm, làm cho bà có cơ hội đối mặt với sự mong manh, đau đớn và cô đơn của nhân loại. Hành trình theo đuổi ranh giới giữa nghệ thuật và tâm linh của Abramovíc được ghi lại bằng bộ phim này. Một bộ phim quay trên những bước chân hiện thực, nhưng đích đến nằm ở sâu trong tâm hồn.
 
Bộ phim kéo dài 86', tiếp nối bằng thảo luận với các nghệ sỹ khách mời trong vòng 30-40' nhằm mở rộng các nhận thức và ranh giới của loại hình nghệ thuật này. Khách mời thảo luận là nghệ sỹ Trần Lương – người có những thực hành Trình diễn từ thập niên 1990 liên tục cho tới nay, và Nguyễn Hải Yến (Red) – nghệ sỹ Trình diễn thế hệ mới, cũng vừa hoàn thành một nghiên cứu cá nhân về loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam.

Chương trình nhận được sự hỗ trợ hào phóng của viện Goethe Hà Nội, và trợ giúp truyền thông của Hanoi Grapevine.

Marina Abramovíc (* 1946) là một nghệ sĩ khái niệm và trình diễn, nhà từ thiện và nhà làm phim nghệ thuật người Mỹ gốc Serbia. Tác phẩm của bà khám phá nghệ thuật cơ thể, khả năng chịu đựng và nữ quyền, mối quan hệ giữa người biểu diễn và khán giả, giới hạn của cơ thể và khả năng của tâm trí. Hoạt động trong hơn bốn thập kỷ, Abramovic tự gọi mình là "bà của nghệ thuật trình diễn". Bà đã đi tiên phong trong một khái niệm mới về bản sắc bằng cách thu hút sự tham gia của các nhà quan sát, tập trung vào "đối mặt với nỗi đau, máu và giới hạn thể chất của cơ thể".

Tiểu sử nghệ thuật của Marina Abramovíc
 
Về nghệ sỹ khách mời
 
Trần Lương (1960) là nghệ sĩ thị giác, nhà giám tuyển độc lập, và một người tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian cho nghệ thuật đương đại mang tính phản biện ở Việt Nam. Là một trong số các nghệ sĩ đầu tiên thử nghiệm với nghệ thuật trình diễn và video, tác phẩm của anh luôn dựa trên những trải nghiệm bản địa. Luôn tích cực tạo cơ hội phát triển cho nghệ sĩ, Trần Lương đã đồng sáng lập nhóm ‘Gang of Five’ (1983-1996); cùng nhau, họ đã tổ chức triển lãm hàng tháng ở các không gian ngoài luồng. Năm 1998, anh đồng sáng lập Nhà Sàn Studio – không gian nghệ thuật thử nghiệm đầu tiên ở Việt Nam do nghệ sĩ vận hành, và giám tuyển phần lớn các triển lãm ở đây trong bốn năm đầu. Anh cũng là người sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Hà Nội năm 2000. Tuy nhiên, anh đã rời bỏ vị trí này không lâu sau vào năm 2003 do các mâu thuẫn về mặt hành chính. Là một người cố vấn luôn sẵn sàng giúp đỡ lớp trẻ, Trần Lương vượt lên khỏi những ý niệm định khuôn về thực hành giám tuyển; khuyến khích nghệ sĩ nới rộng đường biên sáng tác; thương thảo với chính quyền; tạo ra những cơ hội trao đổi giữa ba miền Bắc, Trung, Nam; mang nghệ sĩ Việt Kiều và mời gọi nghệ sĩ quốc tế đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, anh còn điều hành nhiều dự án phát triển cộng đồng ở các vùng miền khác nhau. Nghệ thuật của anh phê bình sự đàn áp và tập trung vào sự bền bỉ của con người như một cách thức tiếp sức cho họ qua cũng những hành động cá nhân và mang tính tự vấn. Anh cống hiến rất nhiều công sức vào việc phát triển các không gian nghệ thuật, đề xuất dự án, tạo dựng mạng lưới và các cộng đồng tập trung vào nghệ thuật trình diễn và video art ở Việt Nam. Tất cả những cố gắng này, kèm theo việc chất vấn những thể chế thống trị, luôn nhằm mục đích hỗ trợ những quan điểm ngoài luồng trong một bối cảnh rập khuôn về tư tưởng.
 
Nguyễn Hải Yến (a.k.a Red) làm film, làm thị giác, viết, trình diễn, xuất hiện như một đại diện đặc sắc của thế hệ nghệ sỹ mới tài năng của Hà Nội sau 2010. Cô thực hành làm phim tại Hanoi Doclab từ năm 2015 và kể từ đó đã cho ra đời một số phim ngắn bao gồm Homeless (2016), Water dreams (2016) và Summer siesta: 6th hour counting from dawn (2017) (bộ phim nằm trong chuỗi dự án "Realities" được hướng dẫn và sản xuất bởi Jamie Maxtone-Graham). Phim của Red đã được trình chiếu tại nhiều không gian như Quest Festival, Hanoi Docfest, Cold Call Film Festival... Phim ngắn “Summer siesta: 6th hour counting from dawn” được triển lãm tại Fundacion PROA (Buenos Aires, Argentina) từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3, năm 2019. Hiện tại, bộ phim được triển lãm tại White Chapelle Gallery (London) từ tháng Tám đến cuối tháng 9, năm 2019. Red là một trong số các nghệ sĩ châu Á được lựa chọn tham gia dự án Animistic Apparatus (Thái Lan, tháng 4/2019), tổ chức bởi May Adadol Ingawanij. Red là thành viên của nhà xuất bản độc lập Ajar Press. Bên cạnh thực hành nghệ thuật thị giác, Red nghiên cứu dịch thuật và trình diễn. Red vừa hoàn thành một nghiên cứu độc lập về Nghệ thuật Trình diễn tại Việt Nam từ giai đoạn 1990 đến nay. Red bắt đầu tổ chức các sự kiện âm nhạc cũng như tham gia một số hoạt động khác tại Heritage Space từ mùa hè 2018.
 

Quay lại