Hội thảo Nghệ thuật Dịch thuật

Nghệ Thuật Dịch Thuật © Goethe-Institut Hanoi

T7, 12.12.2020

9h30 - 12 Uhr

Trực tiếp tại viện Goethe Hà Nội và trực tuyến qua ứng dụng Zoom

Link Zoom đến buổi hội thảo

Nhiệm vụ của dịch giả là phải giải phóng ra trong ngôn ngữ của chính mình cái thứ ngôn ngữ thuần khiết nằm dưới sự ếm bùa của một ngôn ngữ khác, phải giải phóng thứ ngôn ngữ bị cầm tù trong một tác phẩm trong sự sáng tạo lại tác phẩm đó.

Walter Benjamin

Hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ 21 ở Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt những bản dịch mới từ rất nhiều thứ tiếng khác nhau sang tiếng Việt. Dịch, vì thế, được coi không chỉ là một nguồn lực trọng yếu trong ngành xuất bản, mà còn là địa hạt sáng tạo nơi các dịch giả hoạt động như nghệ sỹ tái tạo bản gốc trong tiếng Việt trong cuộc trình diễn của họ,  như Benjamin chỉ ra.

Dù rất nhiều tác giả xuất sắc đã được dịch sang tiếng Việt và được độc giả đón nhận nhiệt tình, dịch giả tiếng Việt của họ phần lớn vẫn đứng trong bóng tôi. Ngoài ra, việc thiếu vắng một khung lý thuyết về dịch văn chương khiến cho dịch giả Việt Nam khó lòng cất lên tiếng nói riêng của họ. Đây là một sự thiếu sót và cũng là thách thức mà chúng tôi nhắm tới trong dự án này: soi rọi vai trò quan trọng của dịch văn học và dịch giả bằng cách tổ chức một hội thảo và buổi đọc thảo luận nơi các dịch giả nổi tiếng tham gia để thảo luận về nghệ thuật dịch thuật và những dịch giả trẻ có cơ hội để gặp gỡ và học hỏi từ đồng nghiệp và tiền bối.

Diễn giả

Bà Nguyễn Quyên
tiến sĩ văn học, tốt nghiệp trường NTU, Singapore. Bà là người đồng sáng lập và chủ biên Zzz Review, một tạp chí văn chương online ở Việt Nam. Bà Nguyễn Quyên sẽ là điều phối buổi hội thảo.

Ông Đăng Thư (Trần Đức Tài)
một dịch giả văn học nổi tiếng, chuyên dịch Anh-Việt. Ông đã dịch sang tiếng Việt tác phẩm Hai kinh thành của Charles Dickens, Nhà Golden của Salman Rushdie, Khi loài vật lên ngôi của Karel Čapek. Ông sẽ so sánh việc dịch thuật ngôn ngữ với chuyển soạn nhạc phẩm độc tấu.

Bà Thuận
sống ở Paris, là một nhà văn và dịch giả nổi tiếng, chuyên dịch Pháp-Việt. Trong vai trò dịch giả, bà nổi tiếng nhất khi dịch tác phẩm Ngôn từ Jean-Paul Sartre sang tiếng Việt. Ngoài ra, các tác phẩm mà bà đã dịch bao gồm Mở rộng phạm vi đấu tranh của Michel Houellebecq, Xạ thủ nằm bắn của Jean-Patrick Manchette, Người cha im lặng của Doan Bui. Bà sẽ thảo luận về việc dịch như là một hành động hóa thân.

Ông. Toan Q. Nguyen
sống ở Mỹ, là nghiên cứu sinh năm thứ năm ở đại học Notre Dame, chuyên ngành dịch máy. Ông sẽ thảo luận về dịch máy và dịch văn học.
 

Quay lại