Triển lãm ‘NHỮNG MẮT KHÔNG MẶT’

 ‘NHỮNG MẮT KHÔNG MẶT’ © Manzi http://© Manzi

12.03-20.04.2021, 10h — 18h, Thứ Ba - Chủ nhật

của Nguyễn Phương Linh và Trương Quế Chi, cùng Đạt Nguyễn, Hiroyuki Hattori & Hiroyuki Ura.

‘Một sự khó bắt đầu viết, không làm nặng thêm hay nhẹ đi
Bị lừa bởi một mong muốn tiến tới sự nhẹ
Việc phải chịu sức nặng
Cũng là may mắn của việc còn cảm nhận được trọng lượng
Đi qua điểm đen hài
Có nhiều khoảng cách
Địa lý, vật lý và giữa những người ở trong
Những sự phải xảy ra nhưng không có nghĩa là sự sẵn sàng cho điều phải xảy ra
Thời gian chờ đợi này ra tạo ra một nhịp khác
Phải mượn nhịp máy để nhìn thấy nhịp của mình
Ánh sáng là một dạng nhịp
Một sự trao đổi qua lại không bằng văn bản
Một là bản năng, một là khắc kỷ
Một cơ thể sinh sôi hữu cơ
Từ đó trở thành khó phân chia
Tất cả diễn ra xung quanh cái giường
Tôi đã ngủ ở trên cái giường đó
Sống và chết, sung sướng hay ác mộng
Một thanh như cột thu lôi
Đầu tiên là chui vào cái váy được treo cao
Sự đổ của ngôi nhà riêng
Tất cả là một sân khấu
Những phân mảnh phi lý, đau và lãng mạn
Một vở diễn là sự được chờ đợi diễn ra
Điều không thể tránh khỏi là hành lý mang sức nặng của tất cả mọi đồ vật
Trước bình phong là nơi chờ để lấy số
Như là giời gọi ai nấy ờ’
- Ghi chép lại từ cuộc trò chuyện nấc cụt giữa giám tuyển Đạt Nguyễn và một người bạn mới quen, Nguyễn Hoàng Thiên Ngân về NHỮNG MẮT KHÔNG MẶT

Trong thời gian diễn ra triển lãm, các sự kiện sau sẽ được tổ chức:

1. Trò chuyện về chủ đề ký ức và không gian với diễn giả khách mời, giám tuyển Hiroyuki Hattori cùng hai nghệ sĩ, Nguyễn Phương Linh và Trương Quế Chi
18h30, Thứ Ba 24.03
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung
 
2. CUỘC SỐNG VÀ CHÍNH NÓ, một vở diễn của Trương Quế Chi
19h00, Chủ nhật 04.04 và 18.04
Tầng thượng Manzi Exhibition Space, số 2 Ngõ Hàng Bún

NHỮNG MẮT KHÔNG MẶT do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Manzi đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Viện Goethe cùng các tổ chức, cá nhân và bạn bè.
Nhóm thực hiện triển lãm: giám tuyển Đạt Nguyễn, diễn giả khách mời/giám tuyển Hiroyuki Hattori, nhà soạn nhạc Hiroyuki Ura, nhóm kĩ thuật: Dương Thanh Quang, Lê Đình Chung, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Nhật Quang, Lê Dụng Hiệp, họa sĩ Đỗ Thanh Lãng, điều phối viên Trần Duy Hưng, trợ lý truyền thông Trần Thùy Thiên Kim, dịch thuật: Nguyễn Hoàng Thiên Ngân
 
LƯU Ý

- Để đảm bảo an toàn cho tác phẩm và để có được trải nghiệm tác phẩm một cách trọn vẹn, chúng tôi xin phép giới hạn số người xem không quá 8 người/lượt.
- Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng trong thời gian này, vui lòng rửa tay và đeo khẩu trang trước khi vào không gian trưng bày.
 
Thông tin nghệ sĩ tham gia
 
Nghệ sĩ NGUYỄN PHƯƠNG LINH
 
Trải rộng trên các mảng sắp đặt, điêu khắc và hình ảnh động, thực hành đa ngành của Nguyễn Phương Linh suy tư về thời gian, hình thức, sự thật vô hình và hữu hình, thấm đượm cảm giác về sự chuyển dời và phù du. 

Cô sinh ra và lớn lên ở Nhà Sàn - nơi được coi như không gian phi lợi nhuận do nghệ sĩ điều hành hoạt động lâu năm nhất tại Hà Nội, đặt ngay tại nhà riêng của cha cô. Năm 2013, Phương Linh đồng sáng lập và điều hành Nhà Sàn Collective cùng nhóm bạn bè nghệ sĩ thân thiết.
Cô đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, trong đó có Singapore Biennale, Kuandu Biennale Taipei và Shanghai Biennale tổ chức năm 2016. Năm 2018, Phương Linh giành giải thưởng BACC cho Nghệ thuật đương đại từ quỹ Hans Nefkens Foundation.

Ngay lúc này, cô có tác phẩm góp mặt trong triển lãm nhóm Gió thổi - Đổi giời được Rosa-Luxemburg Stiftung Southeast-Asia tổ chức tại Hà Nội từ 06/03 tới 12/04.

Nghệ sĩ TRƯƠNG QUẾ CHI
 
Trương Quế Chi là một nghệ sĩ và giám tuyển hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác và điện ảnh tại Hà Nội. Các tác phẩm của cô bắt đầu bằng việc tìm kiếm một phong cảnh, một dàn cảnh, trong tương quan với không gian-thời gian, trên đường biên giữa các vùng, trải qua “độ cao của dung thứ”.
Từ năm 2015, cô tham gia vào ban giám tuyển của Nhà Sàn Collective và đảm nhiệm việc giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
 
Giám tuyển/Nghệ sĩ ĐẠT NGUYỄN
 
Nguyễn Đức Đạt (1979) là một nghệ sĩ đa phương tiện, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Chàng là thành viên của Sao La Collective, cũng là người đồng sáng lập quán bar nghệ sỹ Cù Rú tại Tp. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Dạo gần đây, chàng hân hạnh được Nhà Sàn Collective mời gọi với vai trò nghệ sỹ giám đốc Nhà Sàn Collective.

Các tác phẩm của chàng đã từng góp mặt trong một số triển lãm như Nguchonobay (2017), Salt of the Jungle (2017), Nổ Cái Bùm (2020), v.v.

Ngoài các dự án cá nhân, Nguyễn Đức Đạt còn đảm nhiệm vai trò là một giám tuyển và nhà tổ chức cho các dự án nghệ thuật cộng đồng như “Dạo Bước Nghệ Thuật : March : Art Walk”, “Art Walk II”, các triển lãm “Địa/ phương ~ local-liti”, “Nguchonobay”, tạp chí “Nghệ Thuật và Pháp Luật”. Chàng coi trọng lao động chân tay, đồng thời quan tâm đến tinh thần (nghệ thuật) trong lối sống và tư tưởng của cộng đồng (nghệ thuật) địa phương; khám phá sự chuyển hoá Bi- Hài của sự việc qua các ý thức hệ khác nhau. Chàng đặc biệt chú ý đến những điều tưởng như nhỏ bé, bình dị, ngớ ngẩn, những trái tim bên lề đời sống, những gì nằm ngoài khuôn mẫu, như một cách phản biện hoặc để hiểu sâu hơn về các thể thức cũng như thể chế và sự bao la có thể có trong mỗi con người. Với vị trí giám tuyển và tổ chức, chàng mong muốn kết nối tinh thần của các nghệ sĩ thông qua sự biến mất của giám tuyển.

Quay lại