Triễn lãm Triển lãm “Urban Layers”

Urban layers Exhibition statement Photo: © Wallovers

T3, 02.11.2021 -
T6, 12.11.2021

11h00 - 20h00

Tầng 2, 62 Trần Hưng Đạo (Tp. Hồ Chí Minh)

Triển lãm "Urban Layers" được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Wallovers; kể về câu chuyện của phố thị Sài Gòn bằng ngôn ngữ nghệ thuật bởi những người trẻ đương đại. Rời bỏ bức tranh tổng thể, Wallovers muốn đem đến nhiều hơn về góc nhìn cá nhân đối với thành phố nơi họ sống. Các nghệ sĩ không muốn bó buộc bản thân ở tầm nhìn bao quát mà muốn tập trung hơn trải nghiệm của chính mình, từ đó kết nối và đại diện cho những gì họ thực sự cảm nhận. Wallovers bao gồm ba nghệ sĩ chính: Zkhoa (Trang Nhơn Khoa), Cresk (Nguyễn Tấn Lực) và Daes (Lưu Đoàn Duy Linh). Trong triển lãm lần này, ngoài những thành viên sáng lập của Wallovers còn có Deska (Phạm Thành Nguyên) sẽ cùng thực hành một số tác phẩm với tư cách nghệ sĩ khách mời.

“Urban Layers” (tạm dịch: Lát cắt thành thị) là một cuộc dạo chơi của những nghệ sĩ đường phố, lấy phương tiện thị giác để chuyển thể thành ngôn ngữ và kể về phố thị trong họ. Nếu như Zkhoa nhìn thấy những khía cạnh chân thật nhất của “rat race” (cuộc đua chuột) và sự truy đuổi không hồi kết của vật chất, mưu sinh để tồn tại thì Cresk chọn cho mình một biểu trưng con người, xoay quanh hình tượng người phụ nữ để chất vấn những ý niệm về tính nữ và biểu trưng của họ; đồng thời gài gắm những yếu tố mang xu hướng tôn giáo của người Việt đằng sau. Daes lại chọn cách bóc tách tuổi thơ, nhìn thành phố qua lớp kính văn hóa gắn liền với những điều khiến cho đứa trẻ trong anh mê mẩn: hình tượng Lân, Sư, Rồng ở một diện mạo đương đại mới.

Không gian triển lãm tái hiện những hiện thực xã hội; đồng thời giả định một thế giới không tưởng tổng hòa giữa giá trị cũ với sự phát triển của tương lai số. Việc phân tầng trong triển lãm nhằm tạo ra nhận thức khác biệt trong khung nhìn văn hóa chuyên biệt của từng nghệ sĩ; từ đó thông qua sự tương phản giữa hiện thực và phát triển tạo ra quang cảnh chuyển đổi cho tương lai trong mắt người trẻ. Wallovers đã ứng dụng việc chia mảng, tách lớp, phân rã từng thành phần phố thị để kể những câu chuyện có tính cá nhân hóa của họ.

Thực hành chính của Wallovers tại triển lãm “Urban Layers” là Graffiti kết hợp với công nghệ thực tế ảo AR. Xét về thực hành đầu tiên, Graffiti là một trong những loại hình nghệ thuật xuất phát từ đường phố với năng lượng mạnh mẽ và hỗn loạn. Công nghệ thực tế ảo (AR) là thực hành tiếp theo bên cạnh những chất liệu truyền thống mà Wallovers sử dụng. Sự chuyển đổi của công nghệ đã làm thay đổi cục diện nghệ thuật truyền thống dẫn đến những tranh cãi về tiện dụng và trải nghiệm thực của hai dạng nghệ thuật. Đối với Wallovers, họ mong muốn liên tục làm mới những chất liệu nghệ thuật trong những thực hành của mình, tái dựng một không gian mới cho các tác phẩm. Graffiti sẽ không còn bị giới hạn trên bề mặt truyền thống mà giờ đây được song hành bởi công nghệ để phản ánh những bối cảnh mới của xã hội, hướng đến sự chuyển đổi số trong nghệ thuật.

“Urban Layers” thực chất muốn đem lại một khung nhìn mới thông qua sự quen thuộc, bất luận quan điểm bạn như thế nào, vẫn có thể mở rộng cuộc hội thoại và thấy được tiềm năng khác của nghệ thuật đường phố với những thực hành nghiêm túc. Sự tổng hòa của yếu tố công nghệ và chất liệu truyền thống, sự bóc tách thành phố ở những góc độ cá nhân, sự tương phản giữa hai mặt trái đương đại, văn hóa – hối hả, hỗn loạn trong không gian triển lãm sẽ thể hiện những khác biệt xã hội và cuối cùng là thách thức đại chúng trong góc nhìn mới về một thành thị văn hóa trong mắt người trẻ.

Quay lại