Họp báo Ra mắt Phim tài liệu Dự án Sản xuất phim tài liệu Sinh thái 2021-2022

HAN 21.09.2022 Họp báo ÖKO-Film Produktion 2021-2022 © Viện Goethe Hà Nội

T4, 21.09.2022

14h30

Online Goethe-Institut Hà Nội

Chủ đề Bảo tồn đa dạng sinh học và Phúc lợi động vật

Zoom Event

Chương trình họp báo  ÖKO-Film Produktion 2021-2022

Ngày 21.09.2022, Viện Goethe phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (FOUR PAWS Việt) tổ chức họp báo ra mắt hai bộ phim tài liệu “Bình Yên, về nào!” và “Hành trình tới Xuân Liên” về chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật trong khuôn khổ dự án “Sản xuất phim tài liệu Sinh thái” năm 2021-2022.

Hai bộ phim là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa CCD và FOUR PAWS Việt với các nhà làm phim Việt tại các vùng dự án quan trọng của hai tổ chức.

“Bình Yên, về nào!” tái hiện sinh động cuộc sống của những cá thể gấu và người chăm sóc gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (thuộc tổ chức Four Paws Việt). Đó là những thước phim phản ánh chân thực nỗi đau của những chú gấu từng là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, hành trình phục hồi của chúng tại cơ sở bảo tồn và tâm tư của những người chăm sóc chúng. Nhà làm phim thông qua những hình ảnh mang tính gợi mở và nhiều cảm xúc mong muốn khơi gợi cho người xem sự đồng cảm với động vật và thế giới tự nhiên.

Ở một không gian khác, “Hành trình tới Xuân Liên” sẽ “khiến cho khán giả quên đi cảm thức về thời gian”. Bộ phim thể hiện giá trị thiên nhiên và dõi theo những nỗ lực hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết nối con người với thiên nhiên ở Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi có giá trị đa dạng sinh học cao và có ý nghĩa quan trọng với cuộc sống và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Dự án do Viện Goethe khởi xướng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu để kể những câu chuyện về phát triển bền vững thông qua các thước phim tài liệu. Các nhà làm phim được khuyến khích sử dụng những kiến ​​thức, kỹ năng tốt nhất của mình và tận dụng những tài liệu do các tổ chức xã hội cung cấp để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu.

Diễn giả

Ts. Nguyễn Mạnh Hà
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD)

Dr Nguyễn Mạnh Hà © privat Anh có bằng Tiến sĩ sinh học và là một nhà sinh vật học nổi tiếng ở Việt Nam và khu vực Đông Dương về lĩnh vực bảo tồn và bảo tồn động vật hoang dã. Anh cũng có nhiều kinh nghiệm trong chống tội phạm về động vật hoang dã trong khu vực. Trong 20 năm qua, TS. Hà tham gia sâu vào việc lập kế hoạch và quản lý các khu bảo tồn của Việt Nam, sự tham gia của cộng đồng và phát triển bền vững. Anh cũng tham gia xây dựng các luật và chính sách quan trọng của Việt Nam về đa dạng sinh học và lâm nghiệp trong nước bao gồm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2003), Luật Đa dạng sinh học (2008), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017). Trong 5 năm qua, anh tích cực làm việc để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Khu vực Tư pháp, Cơ quan Thực thi và các tổ chức phi chính phủ trong việc cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý các khu bảo tồn, đặc biệt là chống lại các tội phạm về rừng và động vật hoang dã. Anh đã thực hiện hơn 20 dự án nghiên cứu và bảo tồn tập trung vào đa dạng sinh học, phát triển bền vững và du lịch bền vững và có trách nhiệm. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia chương trình cao học của Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò là giảng viên về đa dạng sinh học và quản lý khu bảo tồn, du lịch cộng đồng và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Chị Ngô Thị Mai Hương
Giám đốc, FOUR PAWS Việt và CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình (BSNB)

Ngô Thị Mai Hương © privat Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT, Thái Lan), chị Ngô Thị Mai Hương có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo trước khi bước chân vào lĩnh vực bảo vệ phúc lợi động vật hoang dã. Chị Hương hiện là giám đốc của tổ chức FOUR PAWS Việt, tham gia vào việc xây dựng và vận hành CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình từ những ngày đầu tiên. Chị đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền móng cho hoạt động cứu hộ và chăm sóc gấu tại CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình cũng như những dự án nâng cao nhận thức về bảo vệ phúc lợi động vật của FOUR PAWS Việt.

Nguyễn Mạnh
Đạo diễn, FOURDOZEN

là một đạo diễn hình ảnh, nhà quay phim và chuyên gia kỹ thuật từng sản xuất nhiều ấn phẩm cho các đài truyền hình hàng đầu Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong nhiều lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, giáo dục và thời trang. Cụ thể, loạt phim mà anh làm cho tổ chức phi lợi nhuận “Chứng nhận Chứng chỉ Rừng (PEFC)” đã tạo nhiều tiếng vang và được sử dụng cho hơn 55 quốc gia. Những thước phim mà anh sản xuất để nâng cao nhận thức về nạn buôn người cho Hội đồng Anh đã được công chiếu cho người dân ở các vùng trên khắp Việt Nam. Ngoài ra, Mạnh đã sản xuất nhiều loại video khác nhau bao gồm phim tài liệu, TVC, phim nghệ thuật,... Mạnh là một sinh viên ưu tú của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội với kinh nghiệm dày dặn. Đặc biệt, anh còn có mối liên hệ với nhiều diễn viên và kỹ thuật viên giúp phối hợp làm video.


Nguyễn Hoàng Việt
Đạo diễn, NOMADS

Nguyễn Hoàng Việt © Goethe-Institut Hanoi Tôi sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Năm 2014, tôi bắt đầu bỏ công việc nhà nước để trở thành một phóng viên ảnh bởi niềm yêu thích tự do, quan sát cuộc sống và con người. Trong suốt quá trình làm phóng viên, tôi thấy bản thân là người may mắn khi được có mặt ở nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam, gặp gỡ những con người xa lạ và được họ chia sẻ câu chuyện cuộc đời. Tôi thấy bản thân trở nên bé nhỏ, không còn gì để chứng tỏ. 

Tôi chọn nhiếp ảnh là cách để mình chia sẻ những câu chuyện mình được nghe. 

Năm 2015, tôi được kể câu chuyện về một gia đình sống như một thời nguyên thuỷ ở bãi giữa sông Hồng ngay trong lòng thành phố Hà Nội. 

Năm 2016, tôi được theo chân một cậu bé chăn cừu ở Ninh Thuận để kể về sự khắc nghiệt của mảnh đất nắng gió này. 

Năm 2017, tôi được đồng hành với hành trình tới trường từ lúc 2 giờ sáng của những em bé sống trên đỉnh núi ở huyện Cư M'gar. 

Năm 2018, tôi được kể câu chuyện về những cô giáo mang con chữ lên thôn nghèo nhất của xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2019, tôi được theo chân một thầy giáo bộ đội dạy chữ cho lũ trẻ lao động ở một hòn đảo giữa biển nơi mảnh đất địa đầu Cà Mau. 

Năm 2020, tôi được kể câu chuyện về một vợ chồng già lặng lẽ dạy chữ cho lũ trẻ đường phố ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn. 

Năm 2021, tôi được đi theo những cụ già bán vé số ở Sài Gòn để kể về thân phận của họ trong thành phố. 

Tôi không có gì để chia sẻ từ phía cá nhân mình ngoài những tấm hình, những câu chuyện ở những vùng đất tôi đã từng qua, những con người tôi đã gặp. Tôi tin rằng trong mỗi chúng ta ai cũng có một câu chuyện. Từ một người chụp ảnh, tôi dần khám phá ngôn ngữ của những thước phim. Tôi nhận ra việc làm phim giúp tôi thể hiện rõ nhất những cảm nhận của mình về mọi thứ xung quanh.“ 

Nguyễn Anh Thư
Nguyễn Anh Thư © privat
là một nhà làm phim độc lập của Hà Nội. Bắt đầu làm phim với vai trò diễn viên từ năm 2014, chị đã tiếp tục sản xuất và đạo diễn các dự án phim độc lập khác nhau, bao gồm cả phim tài liệu và phim điện ảnh cũng như các dự án thương mại. Chị từng làm Cán bộ Đào tạo của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD. Chị cũng là Sản xuất hiện trường của Eroica 2020, video art được trình chiếu tại Trung tâm Nghệ thuật Bozar Brussels ở Bỉ và Viện Goethe tại Hà Nội trong chuỗi kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thiên tài âm nhạc Beethoven.
 

Quay lại