Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Thời kỳ phục hưng của thư viện
Thời kỳ hoàng kim mới

Tương lai của thư viện
Tương lai của thư viện | © raumlaborberlin Thực hiện theo yêu cầu của các dự án văn hóa Berlin

Hầu như không ai dự đoán được sự kết thúc của thư viện. Thay vào đó, người ta thảo luận cách hỗ trợ thư viện vì lợi ích của tất cả mọi người. Một bản tóm tắt hoàn toàn lạc quan loạt bài „Thư viện tương lai“ của chúng tôi.

Von Samira Lazarovic

Còn Google thì sao? Cả trí tuệ nhân tạo nữa? Liệu có còn sách trong tương lai không? Còn ai đến thư viện nữa khi mà tri thức của toàn thế giới sẽ hiện lên trên màn hình chỉ với một cú click chuột?
 
„Một điều khiến tôi thật sự hạnh phúc liên quan đến tình hình hiện tại của thư viện – và thật không may là nó lại liên quan đến tình hình khó khăn trên toàn cầu – là tôi đã thấy được trong vài năm trở lại đây cách mà người ta vượt qua kiểu câu hỏi này“, Nate Hill từ Hội đồng thư viện Metropolitan New York cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Viện Goethe. Mọi người ít quan tâm tới những câu hỏi liệu đồ chơi công nghệ tiếp theo có thể thay thế được thư viện hay không. Thay vào đó, những chủ đề như chia sẻ thông tin, bình đằng trong nghiên cứu và những chủ đề tương tự được đặt lên hàng đầu.

nhận thức về sự tham gia của tất cả mọi người, đa dạng, biến đổi khí hậu

Thật ra trong những năm gần đây, trong các cuộc thảo luận đã dần hé lộ ra rằng, thư viện không chỉ hữu ích về mặt xã hội trong việc dạy kỹ năng đọc, mà nhìn chung còn về các chủ đề liên quan như nhận thức về sự tham gia của tất cả mọi người, sự đa dạng hoặc biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, sự phụ thuộc vào vốn kiến thức của thư viện ngày càng tăng. Thư viện đã phát triển thành nơi, mà ở đó không chỉ nhận thức về các vấn đề nêu trên được tạo ra, mà người ta còn có thể cùng tìm ra được một giải pháp.
 
„Thư viện của tương lai sẽ là một diễn đàn và một tổ chức giúp liên kết, chia sẻ và tiếp tục phát triển kiến thức. Ngoài ra, thư viện đảm nhận một chức năng đặc biệt trong xã hội nhập cư ngày càng đa sắc tộc“, điều này được đề cập đến tại „Next Library Conference“ (Hội nghị thư viện tương lai) diễn ra vào tháng chín năm 2018 ở Berlin và đã đóng góp những suy nghĩ truyền cảm hứng cho loạt bài này về tương lai của thư viện.

Tham gia vào cuộc sống văn hóa xã hội

Hầu như không có giới hạn nào cho những câu hỏi về cách thức: Bên cạnh cách làm việc cổ điển với sách và những phương tiện truyền thông khác, thư viện còn cung cấp kiến thức bằng nhiều ngôn ngữ, các phương thức tiếp cận với thế giới số và mạng xã hội, làm sáng tỏ những tin tức giả và còn nhiều điều nữa. Điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là thư viện nằm trong số ít những địa điểm công cộng không mang tính thương mại. Các thư viện ở Mỹ đã quảng cáo vào ngày „Black Friday“ năm nay - theo truyền thống là ngày báo hiệu bắt đầu mùa bán hàng Giáng sinh của các cửa hàng bán lẻ - với việc giảm giá rất mạnh trong suốt cả năm, cụ thể là với quyền truy cập miễn phí những đầu sách, các phương tiện truyền thông và nhiều thứ khác nữa. „Đối với một số người, thư viện là một nơi để rút vào yên tĩnh, còn với người khác, chính thư viện mới giúp được họ tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng – không phụ thuộc vào thu nhập“, nhà ký giả và chính trị học Leonard Novy đã viết trong phần mở đầu của loạt bài „Thư viện tương lai“.
 
„Thư viện chỉ không còn tương lai khi người ta coi chúng như những kho sách thụ động“, kiến trúc sư người Hà Lan Francine Houben tin chắc như vậy – theo đó, bà và văn phòng kiến trúc Mecanoo của mình đặt con người vào trung tâm trong những thiết kế thư viện. Những ví dụ khác như „Nhà máy sô cô la“ ở thành phố Gouda, Hà Lan cũng cho thấy cách mà kiến trúc hiện đại đang giúp thư viện cởi mở hơn với công chúng của mình – không còn là những pháo đài đóng kín nữa, mà là những không gian chung cho tất cả mọi người. Traci Engel Lesneski, người đứng đầu văn phòng kiến trúc Mỹ MSR, coi thư viện chính là sự phản chiếu của cộng đồng của mình: „như là công trình dành cho những tổ chức khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, thư viện cần được thiết kế sao cho có thể phục vụ số lượng người lớn nhất có cùng mối quan tâm“.

thư viện: không thể thiếu trong thời kỳ chuyển đổi

Tuy nhiên để tạo ra được số lượng người lớn nhất có cùng mối quan tâm thì không chỉ cần chú ý đến cách thiết kế tòa nhà thư viện cho phù hợp, mà cả việc chọn lựa nhân viên thư viện: „Thật không công bằng khi mong chờ từng người trở thành ngay chuyên gia về số hóa, hòa nhập và nhận thức về sự tham gia của tất cả mọi người“, Nate Hill cho biết. Do đó, cần phải có nhiều loại hình thư thư khác nhau và một mạng lưới tốt, mà trong đó người ta có thể tìm ra những chuyên gia.
 
Kiến trúc độc đáo và mạng lưới chuyên gia ấn tượng có lẽ sẽ vẫn chủ yếu là những hiện tượng chỉ có ở các thành phố lớn. Ở những nơi khác, các thư viện có lẽ vẫn sẽ tiếp tục bị cắt giảm ngân sách và thiếu hụt nhân lực trong những năm tới. Nhưng quan điểm cho rằng thư viện không thể thiếu được trong thời kỳ chuyển đổi về mặt chính trị và xã hội hiện nay đang dần thắng thế và sẽ giúp toàn bộ ngành thư viện phát triển trong những năm tới. „Nếu không có thư viện, con người sẽ phải tự phát minh ra thư viện“, Leonard Novy viết. Và thật may mắn là hiện nay ngày càng có nhiều thư viện sẵn sàng tự thay đổi chính mình.