Nhiếp ảnh Düsseldorf
Một trường phái đã thay đổi cách nhìn ra sao

Quá trình phát triển nhiếp ảnh đương đại có quan hệ mật thiết với Düsseldorf. Đây là nơi đào tạo ra nhiều nghệ sĩ từng viết ra lịch sử nghệ thuật với Trường phái nhiếp ảnh Düsseldorf(Düsseldorfer Fotoschule) do họlập ra.
Ngày nay, ai nói đến nhiếp ảnh Đức thì có lẽ thường nghĩ đến những bức hình khổ lớn của các đại diện trường phái nhiếp ảnh Düsseldorf. Trên toàn thế giới, trường phái này được coi là một thương hiệu cho trình độ nghệ thuật cao và định hướng mới toàn diện cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Khái niệm “Trường phái nhiếp ảnh Düsseldorf“ cũng đồng nghĩa với “Lớp Becher“ hay “Trường phái Becher“, tuy nhiên đó cũng là một nhãn hiệu không phải không có vấn đề mà thoạt tiên dùng để chỉ nhiếp ảnh tài liệu truyền thống đã thay đổi cực đoan từ những năm 1970. Chính vì thế, Trường phái Düsseldorf hôm nay không thể được dùng như một khái niệm chỉ phong cách.
Ngành đào tạo nhiếp ảnh đầu tiên ở Đức
Thuần tuý về hình thức thì khái niệm đó ám chỉ 87 nhà nhiếp ảnh nam nữ được học ở Viện hàn lâm nghệ thuật Düsseldorf trong thời gian 1976 đến 1998, theo lớp của nghệ sĩ nhiếp ảnh nối tiếng thế giớiBernd Becher. Được mời dạy từ năm 1976, Bernd Becher đã đồng thời sáng lập ra ngành đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật tại một Viện hàn lâm nghệ thuật. Sáu sinh viên đầu tiên của ông là Tata Ronkholz và Volker Döhne (nhiều năm sau sẽ từ bỏ con đường nghệ thuật), Candida Höfer, Axel Hütte, Thomas Struth và Thomas Ruff. Năm 1981 Andreas Gursky chuyển từ Essen đến Düsseldorf.Sau khi nhiếp ảnh cho đến tận thập kỷ 1970 ở châu Âu chưa được coi là nghệ thuật, thì các sinh viên đầu tiên có sự vững tin ngay từ đầu là họ không cần phải đấu tranh gian khổ để được coi là nghệ sĩ nữa. Họ có thể lấp đầy một không gian trống mà Bernd Bechervà vợ là Hilla Becher – cũng là một nhà nhiếp ảnh danh tiếng – cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác đã tạo ra cho họ. Tuy nhiên cũng mất đến hơn mười năm sau thì các nhà nhiếp ảnh trẻ mới tìm được chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật quốc tế nhờ các triển lãm nặng ký. Sức hấp dẫn toàn cầu của Trường phái nhiếp ảnh Düsseldorf chủ yếu xuất phát từ một ấn tượng, rằng họ “vẽ“bằng phương tiện mới lạ và hiện đại. Không chỉ về hình thức giống như tranh vẽ. Trong tác phẩm của các nghệ sĩ Düsseldorf đã tái hiện bóng dáng chân dung và phong cảnh – chỉ khác là không sử dụng cọ, mà sáng tác bằng chuột và máy tính.