Không gian sáng tạo trong thư viện
Học tập thông qua khám phá

Từ 2013 các thư viện ở Đức xây dựng thêm những Không gian sáng tạo, còn gọi là Makerspaces cho khách đến thư viện. Dự án này có trụ được không?
Thư viện thành phố Köln là một thư viện tiên phong. Theo mô hình Không gian sáng tạo ở Mỹ, năm 2013 tại đây Không gian sáng tạo đầu tiên trong một thư viện Đức đã được xây dựng. Một số thư viện khác đã sớm theo gương thư viện này, như tổ hợp Thư viện bang Sachsen – Thư viện trường Đại học Dresden (SLUB) kết nối với trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden. Qua đó các thư viện muốn khơi gợi mối quan tâm đến các chủ đề MINT (toán, tin học, khoa học tự nhiên và kỹ thuật) và khích lệ khách đến thư viện cùng thử nghiệm.
ĐIỀU KHIỂN SỰ hỗn độn TRONG sáng tạo
Trong khu vực nói tiếng Đức có khoảng 250 Không gian sáng tạo, đa số trong các trường phổ thông và trường đại học, một số trong các công ty. Chỉ một số các thư viện công cộng quyết định xây dựng Không gian sáng tạo của riêng mình. Nhà khoa học thư viện Karsten Schuldt cho biết, nhiều thư viện tuy đã thử nghiệm dự án Không gian sáng tạo, nhưng sau lại quyết định thôi: Chỉ một số ít thư viện thực hiện được ý tưởng xây dựng một cộng đồng tự tổ chức, vì không có đủ các điều kiện không gian và kỹ thuật cho việc đó. „Đương nhiên trong thực tế các cộng đồng chỉ tự hình thành, nều ai đó đứng ra làm các công việc cho mục đích đó. Không gian sáng tạo chỉ trụ được trong các thư viện, khi có nhân sự làm việc chủ yếu với các Không gian sáng tạo này.“
"NHU CẦU LÀ RẤT LỚN"
Theo hai vị đại diện của hai thư viện thì các chương trình đã được công chúng đón nhận. Nhất là sinh viên rất hay sử dụng Không gian sáng tạo Dresden, ông Jonas Tiepmar cho biết. Đối với một số sinh viên, Không gian sáng tạo thậm chí còn có trong kế hoạch giảng dạy. Thông qua hợp tác với bộ môn kiến trúc, tại đây sinh viên có thể lập các mô hình 3D cho bài luận cuối học kỳ của mình; sinh viên y khoa có thể làm các đốt sống để tập tiêm vào tủy sống.
Công chúng ở Köln rất đa dạng: Trong các khóa cho người lớn nhiều khi bố mẹ cùng con, ông bà cùng cháu đến học, bà Hannelore Vogt kể: „Sau các khóa học chúng tôi lấy ý kiến nhận xét và cho mọi người đánh giá các chương trình. Qua đó chúng tôi điều chính được chương trình. Chúng tôi nhận thấy sự hưởng ứng to lớn của người dân thành phố Köln và các buổi tập huấn thường kín chỗ. Các khóa học về Không gian sáng tạo cho trẻ em kín chỗ 100% - nhu cầu là rất lớn“.
Vì thế ở Köln và Dresden người ta nhất định muốn giữ các Không gian sáng tạo: „Từ một lĩnh vực nội dung, đến nay Không gian sáng tạo đã trở thành một phòng chiến lược của thư viện SLUB. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng Không gian sáng tạo“, ông Jonas Tiepmar cho biết. Bà Hannelore Vogt từ Köln kết luận: „Không gian sáng tạo của chúng tôi không chỉ là một không gian. Toàn bộ thư viện đã cùng thay đổi tư duy - trung thành với triết lý học tập thông qua khám phá và thực hành.“
KHÔNG GIAN SÁNG TẠO (Makerspaces)
Không gian sáng tạo là xưởng của những người thích khám phá, lắp ráp trong thời đại chúng ta. Những không gian công cộng đó là nơi phát triển các dự án do các cá nhân tự thực hiện – tốn công sức hơn một chút so với việc làm ra chiếc gạt tàn bằng gốm, vì liên quan đến kỹ thuật số hoặc cần sử dụng những công nghệ mới, ví dụ như máy in 3D hoặc máy cắt laser. Tất cả những điều đó chú vịt Donald thời hiện đại đều có thể tìm thấy trong một Không gian sáng tạo để sử dụng miễn phí.