Anne Weber
Nhà văn và dịch giả, Paris

Von Anne Weber

TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI CÓ GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG GÌ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN BÀ VÀ ĐẤT NƯỚC BÀ?

Những ngày này có nhiều thứ trở thành biểu tượng, từ lỗ hang chuột cho đến giá hàng trống trơn. Tất nhiên những biểu tượng ấy không chỉ cí giá trị đối với cuộc sống hiện tại ở nước Pháp này, nơi tôi đang sống, mà còn đối với nhiều nước khác nữa. Có lẽ cái khẩu trang thích hợp với nước Pháp nhất. Mấy năm gần đây người ta tranh cãi kịch liệt ở đây về khăn trùm đầu của đạo Hồi cũng như các dạng che mặt khác nhau, ở trường học hoàn toàn cấm khăn trùm đầu. Ngay năm ngoái ở Bourgogne một dân biểu cực hữu đã tấn công một người mẹ trùm khăn đi theo một nhóm học sinh trong một cuộc tham quan (trong trường hợp này không cấm khăn trùm). Hôm nay, sau nửa năm, cả nước che mặt kín mít. Ai không có khẩu trang - số này khá đông, vì khẩu trang là hàng hiếm ở đây và dành cho nhân viên y tế và các trường hợp bệnh nặng - thì quấn mấy vòng khăn cổ quanh đầu, tự may khẩu trang bằng giấy lọc cà phê hay túi lọc của máy hút bụi, hoặc ít nhất cũng che miệng che mũi bằng khăn tay. Cả nước bịt kín mặt mũi.

BÀ CÓ CHIẾN LƯỢC RIÊNG NÀO ĐỂ XỬ LÝ TÌNH TRẠNG NÀY?

Tổng thống Pháp Macron nhắc đến chiến tranh, một cuộc chiến mà tôi chủ yếu lấy xà phòng và thuốc sát trùng làm vũ khí và cố thủ trong nhà. Ở đó một cuộc chiến khác chờ tôi: cuộc chiến chống lại chính mình và những nỗi sợ hãi của mình mà chẳng xà phòng hay thuốc sát trùng nào có tác dụng cả. Vậy tôi phải đưa ra chiến lược riêng nào để chiến thắng? "Chiến lược" là một khái niệm trong nghệ thuật quân sự - theo đó thì chiến tranh là một trong những môn nghệ thuật ư? Cái vòng luẩn quẩn ở đây là: cuộc chiến mà tôi tiến hành càng ác liệt hơn, nghĩa là tôi càng rửa tay nhiều bằng xà phòng hơn thì khoảng cách giữa tôi và người xếp hàng chờ mua bánh mì trước tôi ở hiệu bánh càng lớn hơn, và, tôi càng cố móc tay nắm tủ lạnh ở siêu thị bằng ngón tay út đã cẩn thận đi găng cao su bao nhiêu thì kẻ thù trong tôi càng mạnh lên bấy nhiêu. Và nó càng mạnh lên thì tôi càng rửa tay thường xuyên hơn bằng xà phòng, cứ thế mãi.
Rốt cục, tôi ngộ ra rằng: không có chiến lược nào thì hơn. Không hoàn toàn thua trận, nhưng chịu thua một chút thôi.

CÁI GÌ KHIẾN BÀ HY VỌNG?

Thế này nhé, là chuyên gia về khủng hoảng tôi xin nói...
Không, tất nhiên tôi không phải là chuyên gia về bất cứ thứ gì, lại càng không phải chuyên gia về những gì mang tính hệ thống. Nhà văn liên quan đến những điều cụ thể hơn là với hệ thống. Tôi cũng không phải nhà nghiên cứu xã hội. Như mọi người khác, tôi tìm cách quy vào một mối những gì mình đọc được về tình hình ở đây và trên thế giới. Ấn tượng không lấy gì làm độc đáo của tôi là có thể đóng mọi biên giới lại và chúng ta đang đón chờ một cuộc khủng hoảng kinh tế khủng khiếp. Ta biết là các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới không phải là cơ sở để đưa các chính trị gia ôn hoà, lý trí lên nắm quyền, mà trái lại, thế lực cực hữu sẽ hưởng lợi bằng cách lợi dụng trạng thái tuyệt vọng và bấp bênh của con người theo hướng có lợi cho mục đích của mình, do đó rất có thể chủ nghĩa cực hữu –vốn đang mạnh lên trong những năm gần đây – có dịp bành trướng nhanh chóng. Các nhà nước độc tài và giám sát có thể sẽ xuất hiện.
Tôi chứng kiến mọi người tiếp tục lao động và cống hiến với thái độ hăng say và hiển nhiên ra sao để chúng ta nhờ vào công việc không thể thiếu của họ mà có đồ ăn thức uống và được chăm sóc y tế, và tôi chứng kiến một cô y tá bạn tôi đã về hưu hai năm, nay chuẩn bị quay trở lại làm việc – đó là những làm tôi hy vọng. Bất cứ người nào phía bên kia đường mỉm cười về phía tôi đều làm tôi hy vọng.