Âm nhạc
Tôi là một người mơ thấy mình là âm thanh hay tôi là một âm thanh mơ thấy nó là một con người?

Folk in Musik und Wort
© Manzi

Văn hóa dân gian trong âm nhạc và ngôn ngữ

Manzi Exhibition Space (Hà Nội)

Manzi thân mời các bạn đến với một sự kiện vô cùng đặc biệt: đêm trình diễn nhạc và trò chuyện cùng R’Cham Tih và Ksor Sep - hai người hát Jrai đóng vai trò dẫn dắt trong sắp đặt video và âm thanh 'Phong cảnh #4: Cải tiến Thế giới' của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi hiện đang diễn ra tại Manzi số 2 Ngõ Hàng Bún.
 
Mang tên gọi 'Tôi là một người mơ thấy mình là một âm thanh, hay tôi là một âm thanh mơ thấy nó là một con người?’, đêm nhạc là cơ hội hiếm hoi để khán giả Hà Nội được 'lắng nghe' và hiểu thêm về văn hóa bản địa vùng cao nguyên. Hai nghệ nhân R’Cham Tih và Ksor Sep sẽ chơi các nhạc cụ truyền thống của người Jrai gồm đàn k'ni, ting ning, t'rung..., hát hri, kể Khan (sử thi) và trò chuyện cùng khán giả.

Về các nghệ nhân

R’Cham Tih
Sinh ra và lớn lên ở Làng Jut, xã la Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, R’cham Tih là một nghệ nhân chơi và chế tác nhạc cụ Tây Nguyên từ nhỏ. Anh có thể chơi được thuần thục và chế tác được rất nhiều các nhạc cụ của Tây nguyên như Ting Ning, K’ni, T’rung, K’loong Put. Tih yêu các nhạc cụ truyền thống tới mức anh đã đặt tên cho các con mình theo tên của các nhạc cụ. Anh là người đóng góp rất nhiều công sức trong việc gìn giữ bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống Jrai và Tây nguyên, một thày giáo-nghệ nhân luôn sẵn sàng truyền nghề cho thế hệ trẻ bản địa.
 
Ksor Sep
Sinh ra và lớn lên tại làng Brel, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, Ksor Sep bắt đầu biết kể Khan (sử thi) và hát Hri từ lúc 15 tuổi. Trong quá khứ, người Jrai hát Hri và kể Khan sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc trên rẫy. Hiện giờ chỉ còn rất ít người hát được Hri và kể sử thi như xưa. Ksor Sep có lẽ là người cuối cùng trong làng của chú còn nhớ và kể được sử thi. Chú Sep là một người có trí nhớ qua truyền khẩu tuyệt vời và là một kho tàng tri thức bản địa của người Jrai. Tiếc rằng, hiện nay khi trong làng không còn thực hành các nghi thức theo truyền thống nữa, chú Sep cũng không còn có nhiều dịp để ngồi uống rượu và kể sử thi cho dân làng như xưa.
 
Về nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi và tác phẩm sắp đặt âm thanh & video 'Phong cảnh #4: Cải tiến thế giới', vui lòng xem tại đây: www.facebook.com/events/225876675573524
 
Sự kiện được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Goethe và Quỹ FAMLAB (Hội đồng Anh).

 

Chi tiết

Manzi Exhibition Space (Hà Nội)

2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình
Hà Nội

Phí: 100,000 VND
Đăng ký tại Facebook

+84 24 32004494 kultur-hanoi@goethe.de