Triển lãm Tàn chỉ

Tàn Chỉ Ảnh: Lê Giang

T7, 16.12.2017 -
T6, 12.01.2018

Goethe-Institut Hà Nội

Một triển lãm của Lê Giang

Triển lãm „Tàn Chỉ“ là kết quả của 6 tháng làm việc khăng khít giữa nghệ sĩ Lê Giang và nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng cùng kiến trúc sư chuyên ngành tu bổ Phạm Thanh Thủy và chuyên viên tư vấn môi trường Nguyễn Thùy Dương về đình làng Bắc bộ Việt Nam và chu kì dòng chảy của sông Hồng.

Đối chiếu từ chu kì đổi dòng của sông Hồng ảnh hưởng tới vị trí và vật lí của các công trình kiến trúc tâm linh văn hóa, vai trò của đình làng trong đời sống xã hội, tín ngưỡng và tinh thần của làng quê đồng bằng Bắc bộ đã được truy vấn lại. Những thay đổi về xã hội và giáo dục đã tạo ra đứt gãy khó có thể hàn gắn giữa hiện tại và quá khứ, tập tục sinh hoạt tại những ngôi đình này biến đổi và mai một dần. Nhiều ngôi đình nếu không cũ mọt chờ ngày đổ sập thì cũng dần biến dạng về kiến trúc.

Triển lãm là một nỗ lực trả lời câu hỏi: „Làm sao chúng ta có thể định vị được bản thân trong hiện tại, và suy tưởng về tương lai khi những bằng chứng vật chất của lịch sử đang ngày một biến mất?” Khi chưa có câu trả lời đích xác cho câu hỏi trên thì cuộc truy tìm lại dấu vết của một vùng đất sẽ chưa dừng lại.

 

Lê Giang 

Lê Giang Ảnh: Lê Giang Nghệ sỹ Lê Giang sinh năm 1988 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, Giang học Cao học Nghệ thuật - chuyên ngành „Thực hành sáng tác“ tại trường University of the Arts London ở Anh. Trở về Việt Nam cuối năm 2012, cô đã tham gia nhiều triển lãm nghệ thuật ở Anh, Nhật, Singapore, Philippines. Lê Giang thực hành nghệ thuật với phương thức thực hành khác nhau như tranh vẽ và điêu khắc với chất liệu đa dạng như than đá, thạch cao... Khởi nguồn cảm hứng từ viễn cảnh giả tưởng trái đất không còn con người nữa, các sáng tác của cô chất vấn mối quan hệ giữa con người, tự nhiên và thời gian.
 

Nguyễn Đình Hưng 

Nguyễn Đình Hưng Ảnh: Nguyễn Đình Hưng Nguyễn Đình Hưng tốt nghiệp Đại học ngành Hán Nôm ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2015, sau đó công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dựa trên những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được và thông tin từ những chuyến điền dã, những nghiên cứu của anh tập trung vào lĩnh vực phật giáo và tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam.

Một số nghiên cứu đã thực hiện:
  • Nghiên cứu phiên dịch Hán Nôm tài liệu Phật giáo qua đối chiếu hai bản dịch Uy nghi thành thơ lục bát
  • Tác phẩm Phật giáo Trung Quốc Hương Sơn bảo quyển từ tiếp cận tư liệu Hán Nôm Sự tiếp xúc của Phật giáo miền Bắc Việt Nam với tam tạng kinh Nhật Bản đầu thế kỉ 20
  • Nhìn từ nội dung “hiệu dị” – 校異 của kinh Đại Bảo Tích《大寳積》
  • Nghiên cứu hiện tượng đa hành văn tự ở bản in Phật giáo trong phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954)
 

VÀI NÉT VỀ DỰ ÁN "ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI - MỘT GÓC NHÌN VĂN HÓA"  

Triển lãm "Tàn Chỉ" của nghệ sỹ Lê Giang thuộc khuôn khổ dự án "Định hình tương lai - một góc nhìn văn hóa" do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng và hỗ trợ kinh phí.

Dự án này mang chủ đề mở, gợi ra nhiều hướng phản hồi khác nhau, chẳng hạn như: những suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, những hệ quả của quá trình số hoá, mối quan hệ giữa tương lai và hiện tại, ý nghĩa của sự học và định hướng tương lai, cũng như vô số vấn đề khác. Các nghệ sỹ tham gia ứng tuyển đều có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ của riêng mình về điều họ muốn công chúng Việt Nam nhận thức được thông qua phương tiện là các ngành nghệ thuật.

Quay lại