Truy cập nhanh:

Chuyển đến nội dung chính (Alt1) Chuyển đến mục định hướng chính (Alt2)

Hội nghị và triển lãm
Tổng quát về cấu trúc thư viện Đức 2019

Thư viện Quốc gia Đức
Tòa nhà mới được khánh thành năm 1997 của Thư viện Quốc gia Đức ở Frankfurt/Main (bang Hessen) có diện tích sử dụng chính là 77.000 mét vuông và là nơi lưu trữ của 18 triệu ấn phẩm. Khu vực sảnh đọc rộng 3200 mét vuông cung cấp 350 chỗ đọc cho khách thăm thư viện. (Ảnh: S. Jockel, Thư viên Quốc gia Đức Frankfurt/Main) | © S. Jockel, Thư viện Quốc gia Đức Frankfurt/Main

​Mục tiêu hàng đầu của các thư viện công cộng và học thuật ở Đức là đảm bảo việc tiếp cận với kiến thức và thông tin miễn phí. Cấu trúc thư viện Đức được hình thành ra sao và lĩnh vực này đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Von Jürgen Seefeldt

Tại Đức, thông tin được xem như yếu tố then chốt cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội. Các tổ chức truyền tải thông tin, trong đó có thư viện, đôi khi đóng vai trò trung tâm. Nếu quan sát cấu trúc thư viên từ bên ngoài, người ta có thể nhanh chóng nhận ra rằng – cũng do lý do lịch sử - có hai hình thức thư viên lớn: thư viện công cộng và thư viện học thuật. Mục tiêu chính của chúng đều là: góp phần phổ biến kiến thức nhằm tạo ra những xã hội dựa trên nền tảng kiến thức, bởi vì việc tiếp cận thông tin phổ biến và miễn phí được coi như nguyên liệu quyết định cho sự phát triển kinh tế, chính trị và nền dân chủ.

Bởi vì hai loại hình thư viện trên rất khác nhau trên nhiều phương diện, cho nên để giải thích về vai trò cũng như sứ mệnh giáo dục và văn hóa-chính trị của chúng một cách hợp lý, bài viết sẽ đưa ra các thông tin riêng rẽ về bối cảnh chính trị và pháp luật.

Phi tập trung và kết nối

Cộng hòa Liên bang Đức bao gồm 16 bang. Theo quy định của Luật cơ bản, Hiếp pháp Đức, thì thẩm quyền đối với các hoạt động về văn hóa, khoa học và nghệ thuật cũng như đối với ngành giáo dục chủ yếu thuộc về các bang. Khoảng 11.000 thành phố và khu vực trong khuôn khổ tự trị văn hóa, xã hội của mình tham gia đáng kể vào cái gọi là "chủ quyền văn hóa" này. Tại Đức không có Luật thư viện Quốc gia như ở rất nhiều quốc gia Châu Âu cũng như các quốc gia Mỹ Anglo-Saxon. Mặc dù mới đây, quốc hội của 6 trên 16 bang đã thông qua những luật thư viện khá chung chung và không có trách nhiệm ràng buộc, những thứ mô tả tình trạng của các cấu trúc thư viện địa phương, tuy nhiên, không đưa ra những tiêu chuẩn ràng buộc cũng như ràng buộc cụ thể hơn về khung hỗ trợ của nhà tài trợ và yêu cầu những kết quả cụ thể.

Một số đặc điểm nổi bật của lĩnh vực thư viện tại Đức như: cấu trúc phi tập trung của nó và việc thiếu một cơ quan có thẩm quyền về kế hoạch và kiểm soát tập trung cũng như sự đa dạng về các loại hình thư viện và số lượng lớn các nhà cung cấp thư viện khác nhau; Có các nhà cung cấp công cộng, giáo hội và tư nhân. Sự đa dạng này mở ra một số cơ hội cho sự phát triển và con đường sáng tạo riêng, tuy nhiên, việc cá nhân hóa cũng tiềm ẩn nguy cơ phân mảnh. Mặc dù vậy, không một thư viện nào có thể một mình hoàn thành tất cả nhiệm vụ của mình, cho nên sự hợp tác sâu rộng giữa các thư viện cũng như việc tạo ra các đơn vị với các chức năng và dịch vụ trung tâm có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, tình huống này tạo ra sự thiết yếu của một đại diện lợi ích mạnh mẽ trên bình diện liên bang. Các cơ hội về quản lý trên phạm vi toàn quốc như vậy cho phép bốn hiệp hội quan trọng, trên hết là Hiệp hội Thư viện Đức (DBV, với tư cách là hiệp hội các tổ chức) cũng như hai hiệp hội công nhân viên BIB (Hiệp hội Nghề nghiệp Thư viện Thông tin) và VDB (Hiệp hội thủ thư Đức), hai hiệp hội này cùng với Hiệp hội Goethe Institut và nhóm Dịch vụ Thư viện EKZ, cùng hợp nhất dưới sự bảo trợ của BID (Hiệp hội Thư viện và Thông tin Đức). Các chức năng điều phối quan trọng trong một số nhiệm vụ chính cũng được KNB (Mạng lưới năng lực cho thư viện) hoàn thành. KNB được kết nối về mặt tổ chức với DBV tại Berlin và được tài trợ bởi Hội nghị của Bộ trưởng Văn hóa các bang (KMK).

Thư viện công cộng: số lượng, cấu trúc, các loại Tài liệu

Với các sản phẩm và dịch vụ thư viên đa dạng, thư viên công cộng – một loại hình thư viện phổ biến nhất hiện nay - hoàn thành sứ mệnh trọng tâm của mình trong lĩnh vực giáo dục và góp phần đáng kể vào việc thực hiện cơ hội bình đẳng cho mỗi cá nhân. Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thống kê Thư viện Đức (DBS) lên danh sách với hơn 9.000 địa điểm thư viện công cộng. Phần lớn các nhà tài trợ dịch vụ thư viện là chính quyền khu vực các thành phố và địa phương. Tuy nhiên, các nhà thờ Công giáo và Tin lành, trong khu vực giáo xứ của mình, cũng mở cửa cho công chúng tiếp cận với hệ thống thư viên của mình.
 
Ở các thành phố lớn với dân số trên 100.000, các thư viện công cộng thường hợp nhất thành một hệ thống thư viện với một thư viện trung tâm và các thư viện chi nhánh tại các vùng ngoại ô. Ngoài ra còn có các đơn vị đặc biệt như thư viện thanh thiếu nhi, thư viện âm nhạc, bộ sưu tập nghệ thuật, các thư viện lưu động hay thư viện trường với các chức năng thư viện nhánh. Mặc dù, giống như trước nay, hầu hết các ấn phẩm được cho mượn vẫn là sách in như sách chuyên môn, sách viễn tưởng hay sách thiếu nhi, tuy nhiên số lượng các tài liệu điện tử được mượn điện tử qua các trang Web của thư viện đã tăng đều đặn từ 10 năm nay; Hiện nay con số này nằm trong khoảng 15 đến 20 phần trăm tất cả các tài liệu mượn. Các tài liệu điện tử được đề cập đến ở đây là sách điện tử, báo điện tử, sách nghe điện tử và tạp chí điện tử được tải xuống các thiết bị di động của người sử dụng như thiết bị đọc sách điện tử, máy tính bảng hay điện thoại di động. Các tài liệu điện tử này được bảo vệ bởi chương trình đặc về quản lý bản quyền IT và thông qua đó, người sử dụng và độc giả thể truy cập vào các tài liệu này trong thời gian tối đa là bốn tuần.

Các ấn phẩm trực tuyến như vậy hiện có tại trên 2.000 thư viện công cộng (số liệu năm 2019) cho nhóm khách hàng ngày càng tăng. Dịch vụ này được gọi là "Onleihe", một từ nhân tạo được hình thành từ hai thuật ngữ là "online" (trực tuyến) và "ausleihen" (cho mượn). Hai nhà cung cấp, công ty DiViBib, một công ty con của tập đoàn EKZ có trụ sở tại Reutlingen và công ty Ciando, chi phối thị trường này. Các phương tiện điện tử chỉ được mua dưới dạng giấy phép, do đó các thư viện không phải là chủ sở hữu những phương tiện này. Rất nhiều thư viện tham gia đã hợp nhất thành "liên minh khu vực", thường lên đến con số 80, trên một nền tảng mượn chung. "Liên minh" hợp tác có tổ chức với nhau trong việc kết hợp lựa chọn và mua sắm phương tiện nhằm cung cấp một nguồn phương tiện điện tử hiệu quả với giá hợp lý cho địa phương. Qua đó, ngay cả người dùng từ các khu vực nông thôn cũng có thể sử dịch dịch vụ "Onleihe" nếu họ đăng kí tại một thư viện thành viên.

Thư viện di động, thư viện trường, thư viện thiếu nhi và thanh thiếu niên

Ở nhiều bang, tại các khu vực ven đô và khu vực nông thôn thì thư viện di động dưới dạng các xe buýt sách được tăng cường, bổ sung cho các thư viện cố định. Có khoảng 90 thư viện di động đang vận hành khoảng 110 xe và hầu hết chúng là một phần của hệ thống thư viện lớn hơn. Mục tiêu là rút ngắn khoảng cách giữa các thư viện được trang bị tốt hơn trong thành phố với các thư viện được trang bị kém hơn tại các vùng nông thôn. Các xe buýt được trang bị Internet và Wifi, nhà vệ sinh trên xe cùng với khu vực đọc có thể cung cấp trong một ngày đi Tour với tối đa sáu điểm dừng, mỗi điểm chừng một giờ, từ 3.000 đến 5.000 phương tiện. Tại các khu vực nông thôn, một thư viện di động có thể phục vụ mỗi tuần từ 15 đến 20 điểm dừng, thực sự là một giải pháp rất hiệu quả.

Việc khuyến đọc theo nghĩa thư viện, nghĩa là truyền tải hứng thú đọc, kĩ năng đọc và năng lực thông tin cũng được bảo đảm thông qua các thư viện trường học. Thư viện trường học nên là các địa điểm học tập với chất lượng lưu trú cao. Tuy nhiên, ở Đức nhu cầu này vẫn chưa được đáp ứng đủ. Các thư viện trường học có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Nếu chúng được điều hành như một tổ chức độc lập của trường học, thì trường học sẽ là đơn vị gánh trách nhiệm và các dịch vụ của thư viện sẽ được hỗ trợ từ các nguồn của trường hay các khoản đóng góp cũng khoản tài trợ của một quỹ hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có các hình thức tích hợp, trong đó các thư viện trường và thư viện công cộng cùng sử dụng không gian cũng như cơ sở hạ tầng chung và thường là các nhánh của một hệ thống thư viện thành phố; Hình thức sau cùng thường được chứng minh là giải pháp hiệu quả hơn. Theo ước tính, hiện ở Đức có khoảng 20% trên tổng số 44.000 trường học tích hợp một thư viện trường học hoặc thiết lập một khu vực đọc đặc biệt. Khách quan mà nói thì chỉ tối đa 5% trường học sở hữu các thư viện được trang bị tốt cả về mặt sử dụng lẫn nhân lực. Ý nghĩa quyết định cho thành công của công tác thư viện trường học là việc cung cấp các không gian đủ lớn, ngân sách truyền thông thường xuyên và đặc biệt là đội ngũ nhân viên được đào tạo vừa có kĩ năng thư viện vừa có kĩ năng sư phạm.

Do tầm quan trọng lớn lao về mặt xã hội, giáo dục và chính trị của công tác thư viện đối với trẻ em và thanh thiếu niên, cho nên các thư viện công cộng đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nhóm đối tượng này. Tại rất nhiều thành phố thì một thư viện cho trẻ em và thanh thiếu niên hay một khu vực tương ứng trở thành một tiêu chuẩn. Xu hướng hướng tới là các thư viện hay khu vực riêng biệt dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Các khu vực đặc biệt dành cho các loại hình phương tiện số, bao gồm cả các máy chơi Game với mục đích dành cho thư giãn, tán gẫu, làm việc, học tập v.v bổ sung cho khu vực sách. Ngày nay, đồ đạc và vật dụng trang trí trong các khu vực thư viện dành cho trẻ em và thanh thiếu niên đã đa dạng, cá tính và hiện đại hơn nhiều so với trước đây.

Hơn bao giờ hết, kết quả của các nghiên cứu PISA trong những năm gần đây đã góp phần thúc đẩy mở rộng việc khuyến đọc như một hoạt động cốt lõi của các thư viện công cộng. Ngày nay, việc khuyến đọc truyền thống (với các giờ đọc sách tranh, giờ đọc của tác giả v.v) và các hoạt động khuyến đọc hiện đại đã trở thành các tiết mục tiêu chuẩn. Hình thức khuyến đọc hiện đại tập trung chủ yếu vào các chương trình kỹ thuật số và đa phương tiện, chẳng hạn như các sách tranh tích hợp kết hợp với thực tế tăng cường. Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo được trải nghiệm các cuốn sách tranh truyền thống với văn bản bằng nhiều cách khác nhau qua các ứng dụng da dạng trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh với âm thanh và các Video clip.

Tại các thành phố, tỉ lệ dân số có nguồn gốc nhập cư chiếm tới 25 phần trăm và đến từ 50 quốc gia và nhóm ngôn ngữ khác nhau. Nhiều thư viện công cộng đã quan tâm đến con số lớn người tị nạn, người xin tị nạn và công nhận họ như những nhóm đối tượng quan trọng mới. Để thu hút họ trở thành người sử dụng thư viện thì các ý tưởng mới cho công tác thư viện liên văn hóa đã được phát triển. Bên cạnh các chuyến hướng dẫn tham quan thư viện đặc biệt và các giờ đọc truyện cho trẻ em và thanh thiếu niên thì tại nhiều thư viện, việc cung cấp thẻ thư viện với giá ưu đãi cho người tị nạn hay các gói sách đa ngôn ngữ và các hộp phương tiện dành cho phụ huynh và trẻ em cùng các dịch vụ khác đã trở nên phổ biến. Các thư viện hoạt động với cương vị là không gian công cộng cho các trao đổi xã hội, qua đó, người dùng có thể sử dụng các trạm Internet và hệ thống Wifi để có thể liên lạc với gia đình và giữ mối liên hệ với bạn bè ở nước ngoài. Sách tranh, văn học song ngữ và đa ngôn ngữ cho thanh thiếu niên và người lớn, sách truyện và sách chuyên môn bằng ngôn ngữ dễ hiểu, từ điển, tiêu đề bằng tiếng Anh và báo chí nước ngoài được chứng minh là hữu ích cho việc làm quen với ngôn ngữ và xã hội Đức.

Có gì mới? MAkerspAces (xưởng chế tạo), LIBRARY OF THINGS (thư viện vạn vật), Thư viện như một địa chỉ thứ ba

Ngày càng có nhiều thư viện tuyên bố sẵn sàng tiếp thu các ý tưởng mới và mang tính thử nghiệm cũng như cung cấp cho công chúng một diễn đàn cho các trải nghiệm thực tế. Các phác thảo không gian như Maker Spaces (xưởng chế tạo) nhằm ủng hộ mọi người cùng sôi nổi tham gia và thử nghiệm. Robot dạng người đầu tiên, máy in 3D và tai nghe thực tế ảo được đưa vào sử dụng – tất cả các thử nghiệm nhằm giúp công chúng làm quen với những phát triển mới và quan trọng cũng như thu hút thêm các nhóm đối tượng sử dụng thư viện mới.
  Một xu hướng mới nữa là "Thư viện vạn vật". Ở đó, ngoài sách và các phương tiện không phải sách thông thường còn có các vật dụng hữu ích như công cụ, nhạc cụ, đồ làm bếp, đồ chơi, ván trượt, máy khâu hay ghế cho trẻ em với phương châm "mượn thay vì mua" ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dùng thư viện.

Trong khoảng 12 đến 15 năm trở lại đây, các tòa thư viện hiện đại với kiến trúc thường mang tính tạo bạo xuất hiện ở các thành phố lớn và trung tâm quy mô vừa đôi khi chi phối cảnh quan tổng thể khu vực nội thành. Việc phát triển chúng thành cái gọi là "địa điểm thứ ba" tại nhiều nơi đã trở thành một nguyện vọng của chính sách thư viện: các thư viện cũng mong muốn thể hiện mình về mặt thị giác, với chủ ý được công chúng công nhận. Bên cạnh ngôi nhà là "địa điểm đầu tiên", nơi làm việc là "địa điểm thứ hai" thì "địa điểm thứ ba" nên được sử dụng như một địa điểm kết nối cho các hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, là nơi gặp gỡ, là trung gian cho giao tiếp và thông tin với nhau bằng những cách sách tạo. Các thư viện bắt đầu tiến hành việc định vị mình như các diễn đàn phi thương mại tự do và đối tác độc lập bằng cách cung cấp các phòng hấp dẫn, được trang bị đầy đủ cho tương tác và thảo luận tự do và sở hữu các cung ứng đa dạng cho học tập và giáo dục cũng như đủ loại phương tiện khác nhau.

Thư viện Khoa học: Các loại hình, phương tiện, Tài liệu

Thuộc về nhóm lớn các thư viện học thuật cấp bang gồm có khoảng 100 thư viện đại học và trên 200 thư viện các trường đại học, cao đẳng ứng dụng tại 16 tiểu bang, các thư viện Liên bang và bang với thẩm quyền chủ yếu thuộc về khu vực (tuy nhiên một phần cũng thuộc về liên bang), trên 2500 thư viện đặc biệt của các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, nhà thờ, bệnh viện và các hiệp hội khoa học, thư viện chuyên môn của Quốc hội các bang, các Bộ và các tòa án cấp cao cũng như trên bình diện Liên bang là  thư viện Quốc gia Đức (với trụ sở tại Frankfurt am Main và Leipzig) – hoạt động với vai trò như thư viện lưu trữ và trung tâm thư mục quốc gia, ba thư viện chuyên ngành Trung ương (cho kinh tế, kĩ thuật và khoa học tự nhiên) và các thư viện nghiên cứu đa dạng, tiếp nữa là thư viện của Quốc hội Liên bang, các cơ quan chức năng và tòa án ở cấp cao nhất. Các bang cũng như chính phủ Liên bang ở đây đóng vai trò là nhà tài trợ, đôi khi có các hình thức tài trợ hỗn hợp. 
Trước hết, nhiệm vụ của các thư viện đại học và cao đẳng khoa học ứng dụng là cung cấp thông tin và tài liệu cho các thành viên của trường. Mặc dù vậy, những thư viện này cũng được dùng cho các mục đích học thuật cho các đối tượng không phải thành viên các trường đại học hay cao đẳng, tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng cũng miễn phí. Hầu hết các thư viện chính phủ và bang hoạt động như các thư viện khu vực trong việc cung cấp các thông tin khoa học không phân định địa phương. Các thư viện này có nhiệm vụ lưu trữ và tiếp nhận lưu chiểu xuất bản phẩm theo các bang của mình, đặc biệt là tất cả các hình thức ấn phẩm truyền thông được phát hành trong khu vực.
 
Mặc dù số liệu thống kê của các thư viện cho thấy rằng, các tài liệu in vẫn được đặt với số lượng lớn, thì tỉ lệ các phương tiện kĩ thuật số - bất kể là tạp chí điện tử hay sách điện tử, danh mục phục cổ mục các tài liệu thuộc sở hữu của thư viên, cơ sở dữ liệu hay các nguồn tài liệu điện tử khác đang ngày càng tăng. Việc mua sắm cũng như xin giấy phép quốc gia và khối liên minh thường diễn ra thông qua sự hợp nhất giữa các thành viên và sự tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG), qua đó cũng làm tăng lên phạm vi tài chính của từng thư viên. Các công cụ như hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu (DBIS) đa dạng với hơn 12.000 cơ sở dữ liệu hay Thư viện tạp chí điện tử (EZB) giúp cho người dùng thư viện dễ dàng truy cập các tài liệu điện tử.
 
Một xu hướng rõ nét là các thư viện học thuật đang trở thành những không gian được sử dụng dành cho học tập. Các thư viện bang, khu vực cũng như đại học đều thống kê về sự gia tăng số lượng của người dùng với những phòng đọc đông đúc và các thu thập truy cập mở được sử dụng ngày càng nhiều. Thông thường, việc thiếu nhân lực dẫn tới các biện pháp điều tiết ngắn hạn và đòi hỏi việc gia tăng nguồn lực về lâu dài. Do đó, việc xây dựng các trung tâm hay môi trường học tập cần thiết phải tiếp tục được vận hành một cách nhất quán. Mặc cho sự gia tăng về số hóa, thư viện vẫn luôn là một không gian vật lý. Kế hoạch xây dựng hay nhu cầu về không gian trong tương lại sẽ trở thành những chủ đề cấp bách nhất mà các thư viện sẽ phải đối mặt trong nhiều năm.

Thư viện số, quốc gia và quốc tế

Trong 10 năm vừa qua, trọng tâm của lĩnh vực thư viện học thuật là việc phát triển tăng tốc các thư viện số với mục đích tạo ra một trung tâm thông tin và xuất bản số. Các chương trình tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Đức tập trung mạnh mẽ vào việc mở rộng các tài nguyên điện tử. Theo các yêu cầu của UNESCO, Đức đã bắt đầu thực hiện việc số hóa các di sản lịch sử của mình nhằm tạo điều kiện cho mọi người tiếp cập với các di sản văn hóa và biến quốc gia này trở thành đất nước của văn hóa số. Rất nhiều thư viện học thuật đã thiết lập các trung tâm số hóa năng suất cao và cung cấp quyền truy cập trực tuyến miễn phí trên toàn thế giới tới vô số các bản viết tay thời Trung cổ hay những bộ sưu tập cổ có giá trị khác trong những bộ sưu tập của mình.

Mặc dù các thư viện nhà nước và tiểu bang hầu như không có hy vọng trong việc chống lại các đối thủ thương mại rất nặng kí về tài chính như Google Books, tuy nhiên, điểm mạnh của các sản phẩm thư viện số không nằm ở số lượng, mà nằm ở chất lượng và ở sự cam kết đảm bảo sự tiếp cận miễn phí và sự sẵn có lâu dài của chúng. Có thể nhận thấy rằng, việc tiếp cận dễ dàng tới những danh mục này làm gia tăng sự quan tâm đến những di sản văn hóa và dẫn tới việc người ta cũng ngày càng quan tâm hơn đến bảo tàng, thư viện, kho lưu trữ cũng như các tổ chức văn hóa khác.

Ý tưởng của Thư viện Kỹ thuật số (DBB) là nhằm giới thiệu toàn bộ kho tàng văn hóa và tri thức của Đức. Các nhóm đối tượng của thư viện không chỉ là các nhà khoa học và nghiên cứu, mà còn là toàn bộ công dân. Trong tương lại nó cung cấp sự truy cập dễ dàng và miễn phí tới hàng triệu (trong số hơn 24 triệu hiện nay) cuốn sách, tài liệu lưu trữ, tài liệu nhạc in, tranh ảnh, tác phẩm điêu khắc, tư liệu âm thanh và phim ảnh. Ngoài ra, Thư viện Kỹ thuật số Đức không chỉ đóng vai trò quan trọng trên bình diện quốc gia. Là một phần của Thư viện Kỹ thuật số Châu Âu "Europeana" - thư viện được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu – Thư viện số Đức góp một phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và cải thiện khả năng được nhận biết của di sản văn hóa Đức trên bình diện Châu Âu.

Việc thực hiện truy cập mở và kho lưu trữ dài Hạn

Các hiệp hội thư viện Đức tán thành với các cơ quan nghiên cứu và nhiều tổ chức khoa học khác trong việc thúc đẩy một truy cập mở tới các tri thức khoa học và di sản văn hóa. Phong trào Truy cập mở vận động một chiến lược mới cho truyền thông khoa học, một hình thức tồn tại song song với những kênh truyền thống sẵn có và sử dụng những cơ hội mà Internet cung cấp cho việc trao đổi các kết quả nghiên cứu.

Với hình thức xuất bản này, các tác giả nên chấp thuậ các quyền tự do di chuyển và quyền sử dụng và giữ một bản sao tác phẩm của mình trên một máy chủ lưu trữ của một tổ chức đáng tin cậy để đảm bảo sự truy cập lâu dài tới chúng. Bởi vì mô hình xuất bản thay thế cạnh tranh với mô hình cho tới nay được biết tới và phát triển rộng rãi là các nhà xuất bản truyền thống, nên cũng dễ hiểu khi các nhà xuất bản này đánh giá các ấn phẩm truy cập mở được công bố bởi các thư viện một cách phê phán.

Việc lưu trữ lâu dài, do khối lượng lớn các ấn phẩm điện tử, chắc chắn là một thách thức lớn đối với tất cả các thư viện khoa học hoạt động trong lĩnh vực này. Với Luật về Thư viện Quốc gia Đức (DNB), những điều kiện khung pháp lý đối với việc thu thập, lưu trữ và bảo quản các bản sao của tất cả "các tác phẩm truyền thông ở dạng phi vật lý" được xuất bản ở Đức được tạo ra để đảm bảo tính khả dụng chung. Đối diện với mức độ gia tăng nhanh chóng về số lượng, các thư viện, kho lưu trữ và các cơ quan về tưởng niệm khác đang tìm kiếm các giải pháp thiết thực. Điều này đặc biệt được áp dụng đối với các thư viện mà tài nguyên điện tử là nguồn cung cấp thông tin chính. Tại Đức, Thư viện Quốc gia Đức chịu trách nhiệm cho việc lưu trữ các trang Web trong tên miền "de", một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Rút cuộc thì việc lưu trữ lâu dài các trang Web sẽ được nhường lại cho từng tổ chức riêng lẻ, và các thư viện bang - với nghĩa vụ lưu trữ trong các khu vực của mình – sẽ phải đối mặt với việc thực hiện điều này với những khoản ngân sách rất hạn chế. Đối mặt với những thay đổi nhanh chóng của các phương tiện truyền thông và xã hôi, việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giành được sự ưu tiên cao trên trường quốc tế. Di sản văn hóa Đức là một phần của những ký ức chung của nhân loại và do vậy nó có ý nghĩa toàn cầu và mang giá trị phổ quát. Nhiệm vụ của chính trị và xã hội là bảo tồn và lưu truyền những di sản này cho các thế hệ mai sau.

Việc số hóa các thư mục có giá trị và sự truy cập số toàn cầu tới chúng không chỉ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn từ góc độ người sử dụng, mà còn cả từ góc độ bảo tồn. Tuy nhiên, trong một thế giới đang gia tăng về số hóa, thì ấn phẩm in gốc có giá trị của nó và phải được bảo tồn lâu dài. Để đảm bảo điều này, đòi hỏi phải có các điều kiện khí hậu thích hợp và các cơ chế bảo vệ hiệu quả khác để chống lại việc chúng bị phá hủy. Theo kiến nghị của các thư viện, với sự tài trợ của chính phủ, tổ chức điều phối cho việc bảo tồn các di sản văn hóa chữ viết tại Thư viện nhà nước Berlin – Di sản văn hóa Phổ, đã được thiết lập. Mục tiêu của tổ chức này là thu thập và đánh giá các thông tin về việc bảo tồn các di sản văn hóa in, xây dựng các mạng lưới nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy cơ mà các di sản văn hóa in có thể phải đối diện và hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc cho các dự án thí điểm. Vài triệu sản phẩm in và hàng mét kệ giấy in trong các kho lưu trữ và thư viện đòi hỏi một cái gọi là khử axit hàng loạt, bởi vì các chất axit hóa và giấy gỗ được dùng trong việc in. 

Giữa hiện tại và tương lai – thư viện trong thời đại số

Tại Đức, niềm tin vào ý nghĩa và nhiệm vụ của thư viện cũng như vai trò tương lai của chúng trong kết cấu văn hóa và giáo dục của một đất nước công nghiệp trong khoảng mười năm vừa qua thì không nhất thiết tăng lên. Liệu các công nghệ mới có dẫn tới việc các thư viện trong tương lại chỉ hoạt động trong một không gian ảo hay là sẽ bị thay thế bởi các thư viện dựa trên nền tảng đám mây không? Tùy theo quan điểm của người quan sát, vẫn còn những thách thức rất lớn trong việc tìm ra một con đường đúng cho sự tiếp tục phát triển một cơ sở văn hóa và giáo dục đáng kính. Do ảnh hưởng của Internet, điện thoại thông minh và các phương tiện số, việc đọc sách in không còn là điều hiển nhiên nữa. Đồng thời, các báo cáo về sự gia tăng số lượng của người mù chữ chức năng làm dấy lên các lo ngại. Vì thế, bên cạnh kỹ năng truyền thông (số), khả năng đọc hiểu và khuyến đọc vẫn luôn thực sự cần thiết – trong cả cuộc đời.

Trong một xã hội thông tin, thư viện đóng một vai trò then chốt. Điều này đòi hỏi cần được làm rõ, không chỉ riêng đối với các tổ chức chịu trách nhiệm về chính trị, mà cả đối với truyền thông và công chúng. Các thư viện chỉ có thể thực hiện vai trò của mình với những kì vọng gắn theo nó khi họ nhận ra và chấp nhận những thách thức của xã hội thông tin, khi họ liên tục sử dụng những cơ hội của đổi mới công nghệ và các cải tiến về tổ chức cũng như những điểm yếu về chính sách, tài chính và cấu trúc của hệ thống thư viện Đức với các ý tưởng và sự sáng tạo cùng với sự tự tin, tin tưởng vào các nhiệm vụ của mình và đương đầu với trách nhiệm của toàn xã hội và dân chủ.